Chiều 25-11, với 83,64% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2020.

Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều về: Hình thức và giá trị sử dụng của thị thực; thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài; thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức; điều kiện nhập cảnh-xuất cảnh...

Đáng chú ý, trước đó, trong quá trình thảo luận, khoản 7 Điều 1 là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (hiện cả nước có 18 khu).

Nhiều ý kiến nhất trí bổ sung trường hợp được miễn thị thực vào các khu kinh tế ven biển kèm theo các điều kiện cụ thể và giao Chính phủ quyết định. Một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, bổ sung các điều kiện về khu kinh tế ven biển cho đầy đủ và không để ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì cho rằng với bờ biển dài sẽ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Có ý kiến đề nghị không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển...

Tại phiên họp, trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội cũng thông qua quy định này của luật với 79,92% tổng số đại biểu tán thành.


Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Nói thêm về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực là “Vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ” khi đáp ứng các điều kiện về sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt lãnh thổ với bên ngoài là bảo đảm chặt chẽ. Đối với các khu kinh tế ven biển trong đất liền trải dài theo chiều dọc của đất nước không đủ điều kiện để áp dụng quy định này.

Việc bổ sung quy định trên là cần thiết, vừa tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào đầu tư, hoạt động tại khu kinh tế ven biển đủ điều kiện để phát triển khu vực này, vừa bảo đảm chặt chẽ về công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp thu ý các kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này, khoản 7 Điều 1 của Luật đã được chỉnh lý.

Ngoài ra, một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật về việc bổ sung điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước là: “Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung điều kiện trên và giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành. 

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, hiện nay Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có 7 quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Nếu bổ sung điều kiện làm thu hẹp diện các nước đang được đơn phương miễn thị thực sẽ khó bảo đảm tính khả thi, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với nước bị thu hẹp và không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho lược bỏ quy định trên trong dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại đây: luat xnc cua nnn tai vn sd.doc 

TTXVN
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục