Có nên tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách?
Cập nhật ngày: 14/09/2019 21:27 (GMT +7)

Chiều 14-9, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Cân nhắc quy định UBTVQH định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội

Đáng chú ý, tại Điều 44 dự thảo luật về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của UBTVQH, quy định “UBTVQH định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội”.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần cân nhắc thật thận trọng. Bởi trong Hiến pháp không có nội dung nào giao UBTVQH đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đây là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của các tổ chức Đảng.

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, đây là nội dung chưa từng có từ trước đến nay. Đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ và có có đánh giá tác động một cách thận trọng khi xây dựng quy định này.


Toàn cảnh phiên họp chiều 14-9. Ảnh: TTXVN.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, đại biểu Quốc hội là do dân bầu ra, do vậy, việc đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội phải dựa trên đánh giá của người dân, bởi vậy việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là rất khó. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thận trọng nội dung này.

Có nên tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách?

Ngoài ra, tại phiên họp, thay mặt Ban soạn thảo dự án luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban soạn thảo đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Điều 23). 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban soạn thảo cho biết, về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, khoản 2 Điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (khoản 2 Điều 23) theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37-40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý; giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà Trung ương đã đề ra.


Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên thực tế, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm song con số này đến nay vẫn chưa đạt được. Quốc hội khóa XIV hiện nay có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu Quốc hội (chiếm 34.5%) tổng số đại biểu Quốc hội. Do đó, nếu sửa đổi Luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của Luật”. 

Về vấn đề này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đa số các ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất trong Tờ trình của Ban soạn thảo. Theo đó, đề nghị giữ nguyên quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội tại khoản 2 Điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội. 

“Cách quy định tỷ lệ tối thiểu như Luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đảng mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể là 37% và cao hơn nữa. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kế hoạch số 07-KH/TW”, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định phân tích.

Tán thành với Ủy ban Pháp luật, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị giữ nguyên quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.

Nhấn mạnh để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần nâng cao tính chuyên trách, chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội, tức là tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên. "Tại các nước, tính chuyên nghiệp trong làm luật rất cao, các đại biểu Quốc hội thường là luật sư hoặc có kinh nghiệm làm luật. Theo tôi, nên nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, bổ sung các chuyên gia, đồng thời tăng cường đào tạo cán bộ để bổ sung cho các ủy ban của Quốc hội”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị.

* Cũng trong chiều 14-9, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến chương trình chi tiết được bố trí như thông lệ, trong đó dành 1 ngày thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), 3 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận nội dung về sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 cùng kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; bố trí thông qua các dự án luật trong cùng một buổi.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Tổng Thư ký Quốc hội, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 13 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 8 ngày; khai mạc, bế mạc và thông qua: 2 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-10-2019 và dự kiến bế mạc vào ngày 20-11-2019.

TTXVN
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục