“Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp (DN)-hội nhập, hiệu quả, bền vững” là chủ đề của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 23-12 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Không có quốc gia hùng cường nếu không có DN hùng hậu. Với tinh thần đồng hành với DN, Chính phủ kiến tạo, phát triển sẽ không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho DN, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.

Tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát nhiều điểm sáng quan trọng của khu vực DN trong thời gian qua. Cụ thể, số DN thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm hơn 126 nghìn DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn DN. Trong những năm gần đây, tỷ trọng DN quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số DN, tỷ trọng nhóm DN siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%. Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các DN Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; đã xuất hiện một số tập đoàn, DN tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn. Đáng chú ý, niềm tin, kỳ vọng của các DN và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số DN có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020…


Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu vực trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp tiếp tục mong muốn môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng

Bày tỏ kiến nghị tới Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, DN tiếp tục mong muốn Nhà nước và Chính phủ cần kiến tạo được môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng cho tất cả các loại hình DN; tạo lập hệ sinh thái để DN phát triển bền vững; giảm thuế-phí; đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh liên kết ngành… Cùng với đó, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực có thể tạo ra chuyển đổi và thay đổi lớn, tháo gỡ nút thắt như quy hoạch và quản lý đất đai, năng lượng, xây dựng, giao thông…

Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết, hiện DN đang tập trung phát triển mảng công nghệ và công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất ô tô. Trong đó, mục tiêu sản xuất xe điện và bán rộng rãi ra thế giới là mục tiêu dài hạn của DN. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, đầu tư lớn, ngay cả trên thế giới, những thương hiệu ô tô điện nổi tiếng cũng chỉ có lợi nhuận sau khoảng 10 năm chinh phục thị trường. Theo đó, DN mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là về thuế, phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô sử dụng động cơ điện. “Cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, cũng như xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện trong tương lai”-ông Nguyễn Việt Quang kiến nghị. Cũng  trong lĩnh vực cơ khí-ô tô, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương đưa ra kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất linh kiện ô tô trong nước, tiến tới xuất khẩu, trở thành trung tâm sản xuất lớn.

Nhấn mạnh tới mục tiêu phát triển bền vững, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho các DN đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Điển hình như việc giảm thuế thu nhập DN, hay không thu thuế giá trị gia tăng của các chi phí đầu tư theo hướng xanh, đổi mới DN. Đặc biệt, Chính phủ cần có quy hoạch khoảng 10 khu công nghiệp dệt may quy mô 300-500ha/khu có đầu tư đủ hạ tầng về xử lý môi trường để các DN vào đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng. Có cùng cách nhìn nhận, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đang quyết tâm “phát triển kinh tế nhanh và bền vững” để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ DN thực hiện kinh tế tuần hoàn; có chính sách khuyến khích ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ...

Kiên quyết loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, trình độ yếu kém

Phát biểu tại hội nghị, điểm lại thành tựu kinh tế-xã hội năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tốc độ tăng trưởng năm 2019 hơn 7%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức cao. Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu khoảng 517 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có. Trong đó, đóng góp vào thành quả kinh tế-xã hội năm 2019, cũng như hơn 3 thập niên đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng DN và doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh: “DN là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống. Không có quốc gia hùng cường nếu không có DN hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có DN tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG HIẾU

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ DN trên quy mô dân số còn thấp. Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ có 7 DN trong tốp 200 DN có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; chưa có DN nào vào tốp 500 DN lớn nhất thế giới.

Đề cập tới các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của DN, Thủ tướng yêu cầu mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng DN trong năm 2020, tầm nhìn 2025; tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn để DN tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến quốc phòng, an ninh và điều hành vĩ mô. “Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy, không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ"-Thủ tướng nêu rõ.

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chống phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế nhà nước với tư nhân, DN với hộ kinh doanh cá thể, DN lớn và DN nhỏ… Theo đó, phải tiếp tục cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cải thiện mạnh mẽ, rõ nét chỉ số phá sản DN và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Trong đó, đặc biệt phải rà soát, sửa đổi, xóa bỏ các trở ngại liên quan đến quy hoạch; hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường-những vấn đề thường làm cho DN chờ đợi, mất nhiều thời gian.

Nhấn mạnh tới nhiệm vụ phải bảo đảm rằng tất cả các ý kiến của DN đều phải được lắng nghe và tôn trọng, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng "quyền lực mềm” để hù dọa DN mỗi khi DN có sai sót hay chỉ là bất đồng. “Các cơ quan quản lý nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, tham nhũng, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của DN”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo điều kiện cho DN phát triển, song Thủ tướng lưu ý, DN phải tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, bảo đảm đầy đủ các quyền lợi của người lao động; bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. DN cần nói không với các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Thủ tướng cũng kêu gọi các DN Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn.

Theo Thủ tướng, sự lớn mạnh của DN không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của DN chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Với tinh thần đồng hành với DN, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ phải không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho DN, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra. Thủ tướng khẳng định: Một cộng đồng DN lớn mạnh, bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục