Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV ngày 5-6, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc dự thảo luật bổ sung quy định về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang là hợp lý và cần thiết; đồng thời góp ý một số nội dung cho vấn đề này.

Đề nghị bổ sung thêm đối tượng được thuê nhà ở công vụ nhằm thu hút nhân tài

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ dự thảo luật này, bảo đảm không trái với các luật đã ban hành đồng thời bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu và đi vào cuộc sống.  

Đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã dành một mục riêng (Mục 4 Chương VI quy định về nhà ở cho lực lượng vũ trang - nhà ở xã hội), Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung thêm khái niệm "nhà ở cho lực lượng vũ trang" vào dự thảo luật nhằm phù hợp với Điều 104 về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang trong dự thảo luật.


Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm đối tượng được thuê nhà ở công vụ. Ảnh: Tuấn Huy

Ngoài ra, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm đối tượng được thuê nhà ở công vụ. Đó là các đối tượng: Công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng ở các nhà máy xí nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vào dự thảo luật, nhằm bảo đảm phù hợp với các luật đã ban hành trước đây, như Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bên cạnh đó, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cũng lưu ý các đối tượng là lao động hợp đồng cũng nên đưa vào trong luật lần này nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào Quân đội, Công an. 

Bởi lẽ, theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, các nhà máy của Quân đội, Công an phần lớn nằm ở các khu vực có điều kiện có điều kiện kinh tế-xã hội kém phát triển. Trong khi đó, các đối tượng là lao động hợp đồng có mức lương rất thấp, do đó, nên đưa các đối tượng này vào trong dự thảo luật để các đối tượng này được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ, nhằm bảo đảm đời sống cho họ.

"Các nhà máy nếu không có chính sách tốt để hỗ trợ một phần nhà ở cho anh em thì anh em rất khó ở lại để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói thêm.


Quang cảnh phiên họp tổ 19 (gồm đại biểu Quốc hội các tỉnh Nam Định, Quảng Bình, Bình Dương). Ảnh: Tuấn Huy

Phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang

Nêu rõ Luật Nhà ở (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, người có thu nhập thấp và người nghèo, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Cao Bằng cũng đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung quy định về nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Theo đại biểu Đỗ Quang Thành, việc bổ sung quy định trên là phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế mà Bộ Quốc phòng đang gặp phải; cũng như bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác, đồng thời thể hiện rõ chính sách của Đảng, nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân.

Bên cạnh kiến nghị bổ sung thêm đối tượng công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng điều kiện thuê nhà ở công vụ, đại biểu Đỗ Quang Thành cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết đưa các đối tượng lao động hợp đồng tại các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an  vào trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này; nhằm thu hút được đội ngũ nhân lực có trình độ cao như chuyên gia, nhà khoa học (cán bộ kỹ thuật vũ khí đạn, thuốc phóng, thuốc nổ, khí tài quang học cho quân đội, công nghệ tàng hình cho tàu ngầm và các thiết bị bay, tổ hợp chống vũ khí công nghệ cao...) được đào tạo trong các trường ngoài Quân đội, Công an.

Đại biểu Đỗ Quang Thành cho biết thêm, đối tượng lao động hợp đồng tại các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng hiện nay có nhu cầu về nhà ở công vụ khoảng 3.200 người, nếu không đưa đối tượng này vào, khi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhu cầu cấp bách cần tuyển dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh sẽ trái quy định với các luật hiện hành, không bảo đảm được tính kịp thời khi triển khai thực hiện.


Thiếu tướng Phan Văn Xựng: Việc bổ sung quy định mới về nhà ở cho lực lượng vũ trang là rất phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang.

Cũng liên quan đến chế độ chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định mới về nhà ở cho lực lượng vũ trang là rất phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang. Đặc biệt, ở các đơn vị nơi vùng sâu, vùng xa thì chính sách hậu phương quân đội là rất quan trọng, việc lực lượng vũ trang tham gia nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp là điều cần thiết.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trẻ ở thành phố đã lập gia đình nhưng không có nhà ở, vợ không có việc làm, phải đi thuê nhà với giá cao, đồng lương thì eo hẹp nên rất khó khăn. Do đó, việc dự luật bổ sung nhiều điều, khoản cụ thể hóa về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang, theo đại biểu, là rất cần thiết và hợp lý.

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục