Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.

Cùng dự với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc hội thảo có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương…


Quang cảnh hội thảo. 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tiến sĩ Lâm Văn Đoan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.

Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Lâm Văn Đoan cho rằng cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thời gian qua chúng ta đã và đang tập trung để có nhiều giải pháp để đẩy mạnh nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có 6 giải pháp trọng tâm. Đó là đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề; xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng; đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp; sắp xếp tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, trình độ vùng, miền và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay là thực hiện triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho người vay vốn tại ngân hàng thương mại. Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để cùng với các Bộ tiến hành đề xuất phân bổ ngân sách 40.000 tỷ đồng trong 2 năm, năm 2022 dự kiến phân bổ 16.000 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến phân bổ 24.000 tỷ đồng.


 Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu dự hội thảo.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam Jonathan Picus cho rằng, một trong những vấn đề đáng quan ngại trong thời kì đại dịch cũng như phục hồi sau đại dịch là sự phụ thuộc rất lớn về việc hoàn thuế để kích thích hoạt động kinh doanh. Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam cũng nêu rõ, tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP, do đó nếu không kích thích được tiêu dùng nội địa sẽ dẫn đến sụt giảm GDP. 

Để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam Jonathan Picus cho rằng, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ cần quan tâm đến chi tiêu của người dân. Khi người dân được hưởng lợi sẽ kích thích chi tiêu; từ đó các doanh nghiệp hưởng lợi từ vòng quay mua sắm và tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh. Đồng thời gói tài khóa đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện là kích thích chi tiêu; gia tăng chi tiêu thị trường nội địa.

Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt là chính sách về giảm chi phí đầu vào, nguyên liệu sản xuất, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tăng giá, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chính sách ổn định thị trường giá cả, ngoại tệ.

Tuy nhiên, số vốn giải ngân các gói hỗ trợ so với kế hoạch còn chậm, nguyên nhân do điều kiện, thủ tục phức tạp, trong đó thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất chưa thực sự phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu. 

Để tiếp tục tạo điều kiện phục hồi kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết, VCCI đã đề xuất tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh; tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện - một trong những chi phí đầu vào quan trọng của doanh nghiệp; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành đang phục hồi mạnh như ngành du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu lao động.

Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề 2, Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã thể hiện tinh thần “ứng vạn biến” rất nhanh, sớm; tiếp theo là Nghị quyết 11 của Chính phủ mang tính chiến lược quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. Quyết sách của Quốc hội, Chính phủ rất đúng, rất kịp thời. Tuy nhiên khi vận hành  lại “đụng” từ thông tư đến các quy định. 

“Quyết sách Quốc hội đưa ra là để “cấp cứu” đáng lẽ xe phải có đèn chạy ưu tiên nhưng tài xế cứ chạy từ từ, do đó, từ quyết sách vào thực tiễn còn chậm”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục