Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972/1-5-2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ngày 29-4, tại thành phố Đông Hà, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học “Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972- nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đồng Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo: Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Cùng dự có các đồng chí đồng Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo: Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4.

Dự hội thảo còn có Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương; đại diện các sở ban, ngành; các sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Dự hội thảo tại điểm cầu Quân khu 1 có: Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu chủ trì điểm cầu; đại diện các cơ quan Quân khu; Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên; đại biểu Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên.


Các đại biểu dự hội thảo.



Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Quân khu 1.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nêu rõ ý nghĩa chiến thắng Giải phóng Quảng trị và chiến công giữ vững Thành cổ trong 81 ngày đêm năm 1972 trong cuộc chiến giải phóng thống nhất đất nước và ý nghĩa của cuộc hội thảo.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: Giải phóng Quảng trị và chiến công giữ vững Thành cổ trong 81 ngày đêm năm 1972 là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội thảo khoa học hôm nay là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, nghị lực vượt qua mọi khó khăn cùng những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới, phát triển của tỉnh Quảng Trị; củng cố niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đặc biệt khống chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19 để trở lại trạng thái bình thường mới; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ nói riêng. Đồng thời, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.


Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Lê Quang Tùng khẳng định: Cuộc tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 là trang sử vẻ vang của dân tộc, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng; sự trưởng thành của các quân chủng, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Quảng Trị.

Xác định tầm quan trọng của hội thảo, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với Viện Lịch sử Quân sự, Quân khu 4 chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho hội thảo, đặc biệt là gần 100 bài tham luận có chất lượng trên 2 tuyến nội dung lịch sử và phát huy giá trị lịch sử của chiến thắng giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, phát huy thành tựu nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển trên quê hương Quảng Trị anh hùng.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết đã nêu ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; đề nghị các đại biểu dự hội thảo phân tích sâu sắc, phong phú, toàn diện hơn về chủ đề của hội thảo.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết nêu rõ: “Cách đây 50 năm, trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi Chiến dịch tiến công Trị - Thiên, giải phóng tỉnh Quảng Trị, 3 xã của huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên và bảo vệ Thành cổ. Thắng lợi đã tạo cho ta tình thế cách mạng thuận lợi, thúc đẩy đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp chặt chẽ với đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, giành nhiều thắng lợi, góp phần vào thành công chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, tạo ra lợi thế trên bàn đàm phán Paris, đẩy mạnh phong trào đấu tranh ngay trong lòng nước Mỹ và thế giới phản đối chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam”.


Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo. 

Tại cuộc hội thảo này, các đại biểu, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử với tinh thần khách quan, khoa học, đổi mới, sáng tạo đã phân tích làm rõ bối cảnh lịch sử, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn hòng củng cố tuyến phòng thủ vòng ngoài, bám trụ địa bàn chiến lược, tạo ưu thế về quân sự để giành lợi thế trên bàn đàm phán Paris đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, giữa “đánh và đàm” trên bàn Hội nghị Paris và việc chuyển hướng tiến công chủ yếu ở Trị - Thiên, giành và giữ địa bàn chiến lược Quảng Trị năm 1972.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng giành thời gian phân tích và làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức lực lượng, tiến hành Chiến dịch tiến công Trị - Thiên giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ thị xã và Thành cổ năm 1972; nghệ thuật chiến dịch tiến công và nghệ thuật tổ chức thế trận phòng ngự của quân và dân ta trên địa bàn chiến lược Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các đại biểu cũng đã làm rõ những kết quả và tác động to lớn của thắng lợi Chiến thắng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ thị xã và Thành cổ đối với việc ký kết Hiệp định Pari (27-1-1973) và tác động của nó đối với sự phát triển về thế và lực của lực lượng cách mạng ở miền Nam.

Hội thảo cũng làm nổi bật những thành tựu trong lãnh đạo, chỉ đạo và những chuyển biến quan trọng của Quảng Trị trong 50 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, phát huy giá trị hòa bình, tinh thần quyết chiến, quyết thắng năm 1972 vào công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển quê hương Quảng Trị, cũng như xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

QUỐC HẢ

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục