5 năm qua, các tầng lớp phụ nữ ở mọi vùng, miền trên cả nước đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Thông qua các hoạt động, vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng lên. Trước thềm Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, chúng tôi có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết những dấu ấn nổi bật của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2017-2022?

Đồng chí Hà Thị Nga: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp phụ nữ đã đoàn kết, kiên cường, nỗ lực góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có những tiến bộ rõ nét, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định phẩm chất tốt đẹp, tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội. Có thể kể đến 5 dấu ấn nổi bật của phong trào phụ nữ nhiệm kỳ qua:

Trước hết, các tầng lớp phụ nữ ngày càng năng động, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia phát triển kinh tế, đóng góp đáng kể trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Phụ nữ cũng là lực lượng quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, chương trình quốc gia khởi nghiệp, góp phần khẳng định chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế. 

Hai là, phụ nữ ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò chủ thể, tham gia giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách, pháp luật. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của bản thân, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

Lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30% (30,26%), tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã có bước tiến về tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính; đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính.


 Các đại biểu dự phiên trù bị Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: TRÍ DŨNG

Ba là, phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện tốt thiên chức người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương và chia sẻ trách nhiệm chăm lo xây dựng gia đình; trao truyền các giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Bốn là, trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ cả nước bằng tấm lòng yêu thương, nhân ái đã phát huy cao độ tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.

Năm là, trong tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước, phụ nữ trong lực lượng vũ trang và lĩnh vực đối ngoại tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh đất nước, khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam như một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.  

Cùng với đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tham mưu đề xuất thành công 3 đề án của Chính phủ, một số nội dung trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng hơn 600 chính sách trong nhiều lĩnh vực thiết thân đối với phụ nữ, qua đó huy động nguồn lực và sự tham gia của các cấp, các ngành vào công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Những nỗ lực, đóng góp của hội viên, phụ nữ được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 85 huân, huy chương các loại; 53 cờ thi đua Chính phủ, 328 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Đạt được những kết quả đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có những chủ trương, giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Thị Nga: Phải khẳng định, để có những kết quả nêu trên, có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, chúng tôi luôn bám sát và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên trì sứ mệnh “đoàn kết, tập hợp các tầng lớp phụ nữ Việt Nam vì hạnh phúc của phụ nữ và sự thịnh vượng của đất nước” là nền tảng quan trọng định hướng công tác hội và phong trào phụ nữ, đổi mới nội dung, phương thức thực hiện chức năng đại diện.

Bên cạnh đó, các cấp hội có sự thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn, huy động sức sáng tạo, sức mạnh to lớn của các tầng lớp phụ nữ; lựa chọn những vấn đề thiết thân của phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới... làm trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Mặt khác, trên cơ sở xác định rõ nhân tố con người đóng vai trò quyết định tới hiệu quả phong trào thi đua, chúng tôi đặc biệt chú trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hội với những tiêu chí về phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, năng lực, trách nhiệm, có phương pháp công tác dân vận khéo.

Cùng với đó, chúng tôi chỉ đạo các cấp hội làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm của hội viên, phụ nữ; nâng cao hiệu quả thực chất công tác tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ cơ bản để thực hiện chức năng đại diện và vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức hội. Phương thức hoạt động hội luôn luôn được đổi mới và không ngừng sáng tạo.

PV: Nói như vậy, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII hẳn sẽ có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Thị Nga: Như tôi đã nói ở trên, muốn hoạt động hội và phong trào phụ nữ có sức sống, sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội thì yêu cầu tiên quyết phải có sự linh hoạt, đổi mới, sáng tạo cả trong cách thức cũng như hình thức triển khai.

Trên tinh thần đó, lần đầu tiên Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định 5 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo, đó là: Bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ của tổ chức hội.

Lấy phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết những vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.

Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức hội.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, có khát vọng cống hiến là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội.

Và các nhiệm vụ trọng tâm dựa trên 3 yếu tố quan trọng: Xác định hội viên, phụ nữ là nhân tố sống còn-liên quan đến chức năng đại diện của hội. Việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là nhân tố nền tảng, quy định thể chế, cơ chế, phương tiện... định hướng chính trị của tổ chức hội. Xác định tổ chức hội là nhân tố chủ chốt để thực hiện thành công chức năng, nhiệm vụ chính trị hội.

Một trong những điểm mới được chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng, đó là phát động rộng rãi trong cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhằm cụ thể hóa nội dung văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo các tiêu chí: Có tri thức, đạo đức, sức khỏe, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Bên cạnh đó, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tiếp tục được phát động, triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, nội hàm của cuộc vận động có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới theo hướng toàn diện hơn, không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các tiêu chí nông thôn mới nâng cao mà còn góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Riêng tại những địa bàn thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ thí điểm xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch” (gồm: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Các phong trào nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới đất nước.

Cùng với sự phát triển của đất nước, tôi tin tưởng với những giải pháp thiết thực, đồng bộ, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2035; khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.

Vì sự phát triển của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, Hội LHPN Việt Nam cũng mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và toàn xã hội đối với phong trào, tạo điều kiện nhiều mặt cho phụ nữ có thể phát huy hơn nữa tiềm năng, nội lực trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục