Sáng 14-1, tại Hà Nội, Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam đã khai mạc. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại đại hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, đề nghị phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trên cả nước đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu bật những kết quả toàn diện mà nước ta đã đạt được trong 5 năm qua; đồng thời cho rằng, đóng góp chung vào những kết quả đạt được có sự tham gia tích cực, thiết thực, hiệu quả của Hội Người cao tuổi các cấp.

Trong 5 năm qua, hội tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Tư tưởng, quan điểm, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người cao tuổi tiếp tục được quán triệt, phổ biến sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với người cao tuổi.


 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại đại hội.

Hội Người cao tuổi các cấp đã và đang phát huy tốt vai trò là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước. Nội dung hoạt động ngày càng phong phú, tổ chức hội càng mở rộng, đến nay có hơn 9,7 triệu hội viên tham gia sinh hoạt, là nơi tập hợp, đoàn kết rộng rãi người cao tuổi trong cả nước, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Bên cạnh đó, các cấp hội đã có nhiều sáng kiến tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên; hằng năm, đã phối hợp với ngành Y tế để chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho hàng triệu người cao tuổi; thường xuyên thăm hỏi, động viên người cao tuổi khó khăn, gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt. 

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người cao tuổi ở khắp các địa bàn dân cư đều tích cực tham gia phòng, chống dịch. Hình ảnh những cựu chiến binh 70-80 tuổi, những cán bộ về hưu vẫn nhiệt tình tham gia phòng chống dịch, ân cần nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tham gia quyên góp ủng hộ những gia đình, địa phương khó khăn, tạo nên những hình ảnh đẹp, tình cảm ấm áp. Đó là những việc làm rất đáng trân trọng, rất cần lan tỏa trong cộng đồng. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương đội ngũ cán bộ hội các cấp đã tâm huyết, trách nhiệm, tích cực trong chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi và trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


 Quang cảnh đại hội.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi, được người cao tuổi cả nước đón nhận, hoan nghênh và đồng tình cao. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, ban hành chủ trương, chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi, khi Việt Nam sẽ được xếp là quốc gia có dân số già trong tương lai gần (theo dự báo đến năm 2030 Việt Nam sẽ có số người cao tuổi chiếm 17% dân số cả nước và đến năm 2050, tỷ lệ này là 25%).

Nhắc lại những quan điểm của Đảng ta nêu ra tại Văn kiện Đại hội XIII, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với Hội Người cao tuổi; tiếp tục quán triệt sâu rộng các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cao tuổi; đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi. 

Hội cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát triển số lượng đi đôi với chất lượng, tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”. Phát huy những kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi để tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự…

Hội cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người cao tuổi để phản ánh kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền, góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, nhất là người cao tuổi thuộc diện chính sách, người cao tuổi ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Cần đa dạng nội dung, hình thức chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt lĩnh vực người cao tuổi tự chăm sóc; tích cực phát triển nguồn lực của Hội; nhân rộng các loại hình Câu lạc bộ, các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; tập trung sức xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở; mở rộng công tác đối ngoại nhân dân để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Người cao tuổi và tổ chức hội tiếp tục phát huy trí tuệ và kinh nghiệm, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, khuyến học, khuyến tài; động viên con cháu có ý chí vươn lên trong học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh; chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục