Về nơi nguồn cội tri ân
Cập nhật ngày: 10/02/2024 07:09 (GMT +7)

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi trở lại Cao Bằng thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi 79 năm về trước, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (ĐVNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Xe dừng trước cửa “rừng thiêng” ai nấy đều xúc động xen lẫn tự hào, bởi chính địa danh này đã vun đắp lên truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.


Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác Bộ Quốc phòng thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.      Ảnh: PV

Sắc xuân trải dài trên mọi miền đất nước, rừng Trần Hưng Đạo hiện ra trước mắt chúng tôi thật hùng vĩ và thiêng liêng. Bức phù điêu 34 chiến sĩ trong buổi lễ thành lập Đội VNTTGPQ như nói lên tất cả lòng thành kính mà bất cứ ai khi đặt chân đến đây đều chung cảm xúc được trở về nơi nguồn cội. Phía trước bức phù điêu là một khoảng sân nhỏ lát đá, các đoàn khách về nguồn thường làm lễ báo công tại đây. Bà Nông Thị Bích, người có thâm niên hơn 20 năm làm bảo vệ, kiêm hướng dẫn viên Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo hồ hởi giới thiệu với chúng tôi: Rừng Trần Hưng Đạo được phân bố trên địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám, là trung tâm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập ĐVNTTGPQ, bao gồm 5 điểm di tích: Di tích Khu rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; Đồn Phai Khắt; Vạ Phá, xã Tam Kim và di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi lưu trữ những địa danh, hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng, có giá trị lịch sử đối với cách mạng Việt Nam; gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã và đang được Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị trong toàn quân đầu tư, tôn tạo và củng cố với nhiều hạng mục công trình đầy ý nghĩa.

Nhớ lại buổi Lễ phát động "Chung tay xây dựng nông thôn mới" tại Hoa Thám và Tam Kim (Nguyên Bình) hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 /22-12-2024), Bộ tư lệnh Quân khu trao tặng địa phương 200 triệu đồng, kinh phí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong xúc động trước sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu cùng các cấp, các ngành đối với địa phương. Được biết, giai đoạn từ 2021 - 2025, Tam Kim và Hoa Thám là 2 xã được Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM huyện chọn để tập trung đầu tư, phấn đấu xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới. Trong đó, xã Hoa Thám được đầu tư trên 19,1 tỷ đồng (vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh trên 10,7 tỷ đồng, nguồn vốn Bộ Quốc phòng trên 8,3 tỷ đồng); xã Tam Kim được đầu tư 2,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn Bộ Quốc phòng trên 9,7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân 2 xã phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện các tiêu chí XDNTM.

Tuy nhiên, đến nay, xã Hoa Thám mới đạt 10/19 tiêu chí, xã Tam Kim đạt 16/19 tiêu chí. Các nguồn vốn tuy được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; huy động nguồn lực từ nhân dân còn hạn chế; các tiêu chí nay đã đạt, nhưng chưa thực sự bền vững.

Để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong năm 2023 và các năm tiếp theo, phấn đấu đến hết năm 2025 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã cần huy động tối đa sự ủng hộ, đóng góp bằng tinh thần, vật chất từ các tổ chức, cá nhân, các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà hảo tâm với  tổng kinh phí dự kiến thực hiện 41,6 tỷ đồng cần sự đồng hành của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Bà Chu Thị Quyên Bí thư Đảng ủy xã Hoa Thám không giấu niềm vui: Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo ngày càng được quan tâm đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị. Từ sự kiện này, xã cũng được hưởng lợi nhiều từ đầu tư của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Quân khu 1 và của toàn quân. Diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được ổn định, không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm rõ rệt. Các cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, nhà văn hoá được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây biết ơn bộ đội nhiều lắm…

Tạm biệt Nguyên Bình, chia tay rừng Trần Hưng Đạo, chúng tôi trở về mang theo bao tình cảm thắm thiết, chân tình của người dân nơi cội nguồn cách mạng, một lòng vững tin theo Đảng, chung tay đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đối với Nguyên Bình và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là sự tri ân nghĩa tình dành cho đồng bào các dân tộc nơi cội nguồn cách mạng - mảnh đất anh hùng đã đi vào lịch sử dân tộc ta.

Khương Quang

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục