Vấn đề “hậu duệ” - nhìn từ góc độ văn hóa chính trị: Bài 2: Giải mã “con thủy quái Leviathan”
Cập nhật ngày: 30/03/2020 08:34 (GMT +7)

Cách đây gần nửa thiên niên kỷ, Thomas Hobbes (1588-1679), nhà triết học và xã hội học người Anh đã viết tác phẩm Leviathan. Ông ví quyền lực nhà nước như con thủy quái Leviathan trong Kinh Thánh.

Theo cách hiểu này, quyền lực luôn có bản tính tha hóa. Vì lẽ đó, phải kiểm soát quyền lực như “kiểm soát một con thủy quái”. Vấn đề “hậu duệ” cũng là một thuộc tính tha hóa của quyền lực, cần phải hiểu rõ bản tính ấy thì chúng ta mới tìm ra cơ chế kiểm soát...

Tranh luận tha hóa có phải bản tính tự nhiên của quyền lực hay không, cũng như tranh luận con người sinh ra vốn tính thiện hay tính ác sẽ còn kéo dài, nhưng thực tế lịch sử chỉ ra rằng, chưa có nhà nước nào trong lịch sử (kể cả mô hình nhà nước XHCN đã xuất hiện ở Liên Xô, Đông Âu thế kỷ trước) mà quyền lực không bị tha hóa. Nguồn gốc của vấn đề này trước hết đến từ nguyên nhân kinh tế. Học thuyết Mác-Lênin dự báo rằng, nhà nước XHCN sẽ là kiểu “nhà nước nửa nhà nước”, “nhà nước tự tiêu vong”, tức là một nhà nước tốt đẹp không bị tha hóa quyền lực, nhưng nhiều người quên rằng, nhà nước đó chỉ “tự tiêu vong” khi mà con người đã “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nền sản xuất xã hội đã đủ sức thỏa mãn nhu cầu rất cao của con người. Chừng nào chưa đạt được trình độ sản xuất ấy, việc dùng quyền lực để đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần là “xu hướng tự nhiên” của con người, ngoại trừ những trường hợp, hoàn cảnh đặc biệt.


Tranh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Ở Việt Nam, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có thể xem là hoàn cảnh đặc biệt. Khi mà nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước bị đe dọa, một thế hệ cán bộ, đảng viên được sinh ra trong “thời thế” đó, lại được Đảng giáo dục, rèn luyện nghiêm túc, đúng đắn nên chúng ta có “những con người XHCN”. Khi chúng ta bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng và phát triển đất nước, hoàn cảnh đặc biệt ấy không còn nữa, nhiều cán bộ, đảng viên từng “sáng trong như ngọc” bắt đầu thu vén cho riêng mình, cho gia đình, con cháu là một xu hướng khó tránh khỏi. Người tốt thì cố gắng dung hòa giữa cái chung và cái riêng. Người xấu thì sẽ tìm mọi sơ hở của cơ chế quản lý để tư lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp còn điệp trùng gian khó vẫn dành thời gian viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để chỉ rõ những dấu hiệu tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, như lạm quyền, lộng quyền, trục lợi từ quyền, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, tùy tiện, tiếm quyền, vô trách nhiệm, bất lực, tham quyền cố vị...

Tiến sĩ Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII, trong sách “Tư duy nhiệm kỳ và bệnh thành tích trong công tác xây dựng Đảng và quản lý nhà nước hiện nay” đã viết: “Không gì giàu nhanh bằng làm quan (có không ít cán bộ, công chức, người dân nghĩ như vậy). Có cương vị, quyền thế rồi thì thu lại mấy hồi; giá cả thì đã có mặt bằng rồi”. Và với tư duy đó, những người có chức, có quyền thường có xu hướng lợi dụng mọi lỗ hổng trong công tác cán bộ của Đảng để bố trí “ghế” cho con cháu mình, đấu thầu "ghế" cho những người quen thân. Những người được bổ nhiệm vào chức vụ lần đầu sẽ tìm mọi cách xây dựng ê kíp của mình để củng cố quyền lực theo thứ tự ưu tiên “tứ ệ”. Họ sẽ can thiệp vào mọi khâu trong công tác cán bộ. Trong nhận xét, đánh giá cán bộ định kỳ thì “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “nói việc nhỏ, bỏ việc lớn”; nhận xét khi người nhà vi phạm khuyết điểm thì nương nhẹ, lược bớt, bao biện, đổ lỗi nhằm giảm nhẹ hình thức kỷ luật; nhận xét để đề cử, bổ nhiệm người nhà thì phóng đại thành tích, nói giảm, nói tránh khuyết điểm. Trong quy hoạch cán bộ thì du di, hạ thấp tiêu chuẩn, cho nợ điều kiện đối với hậu duệ; lợi dụng chính sách quy hoạch “động và mở” để kiếm cớ, gây sự, đưa người không cùng ê kíp ra khỏi quy hoạch; phù phép, “biến hóa” lý do để bổ sung người thân quen vào quy hoạch; “quy hoạch treo” bằng cách quy hoạch tràn lan, rất nhiều người cho một vị trí để dễ bề thao túng công tác cán bộ...

Hiện nay, Đảng ta đã có quy định về quy trình công tác cán bộ, nhưng khi người đứng đầu đã thoái hóa, biến chất thì “quy trình” đó sẽ được vận hành để chọn trúng vào “hậu duệ”. Đồng chí Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam), khi biết tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý kỷ luật ông Lê Phước Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) vì đã làm sai quy trình, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong “bổ nhiệm thần tốc” con trai mình là Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, đã nói: “Hồi đó, bản thân tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thấy anh Bảo thuộc lớp trẻ, học hành đàng hoàng, có năng lực, có tư duy tốt nên sẵn sàng ủng hộ. Giờ đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận việc bổ nhiệm anh Bảo sai quy trình, không đúng nguyên tắc thì cá nhân tôi xin nhận một phần trách nhiệm”.

Bên cạnh nguyên nhân kinh tế, vấn đề “hậu duệ” cần phải được nhìn nhận thấu đáo qua lăng kính văn hóa của người Việt. “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, “Con hơn cha là nhà có phúc” là những quan niệm truyền thống của người Việt Nam. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để được “lĩnh ấn, phong hầu” là “sứ mệnh” mà cả dòng họ trao cho những trang nam tử. Nguyễn Công Trứ, một vị quan thanh liêm, chính trực, thương dân triều Nguyễn quan niệm: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”...

Từ đó để thấy, “làm quan phát tài” trong quan niệm của người Việt gần như là nghĩa vụ, trách nhiệm tất nhiên của người đàn ông. Khi đã làm quan thì sẽ lo lắng, bố trí cho con cháu “chiếm” được chiếc “ghế” cao hơn của mình thì nhà mới có phúc. Đồng thời, khi đã có chút chức sắc trong chốn quan trường, việc dùng chức vụ ấy để phục vụ dòng họ là điều hiển nhiên. Người Việt còn có quan niệm về mối quan hệ biện chứng giữa “Nhà-Làng-Nước”. Mặt tích cực của quan niệm ấy là góp phần hun đúc truyền thống yêu nước, nhắc nhở trách nhiệm công dân “nước mất thì nhà tan”, nhưng mặt trái là hình thành tính chất cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa, không xác lập rõ ràng các mối quan hệ của cá nhân với gia đình, quê hương, đất nước dẫn tới những nhận thức và hành động thiếu chuẩn mực khi những mối quan hệ đó có sự xung đột lợi ích... Cán bộ, đảng viên của chúng ta không ở trên trời rơi xuống mà mỗi người đều có gia đình, dòng họ, quê hương với muôn vàn mối quan hệ chằng chéo “dây mơ rễ má”. Vì thế, rất khó để ai đó vượt thoát ra được những quan niệm, tư duy truyền thống. Đó cũng là một căn nguyên để vấn đề “hậu duệ” rất dễ phát tác khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền.

Một hiện tượng văn hóa khác là truyền thống tôn trọng các thế gia vọng tộc-cự tộc-đại gia của người Việt Nam. Là một dân tộc từng phải làm thuộc quốc, thuộc địa cho các thế lực ngoại bang, người Việt coi trọng vấn đề phả hệ, dòng họ. “Con chim có tổ, con người có tông”. Trải qua những cuộc di dân vì sinh kế hoặc do chiến tranh, người cùng một họ luôn có xu hướng kết nối, liên hệ với nhau. Mặt tích cực của xu hướng này trong công tác cán bộ chưa được nghiên cứu, làm rõ; nhưng mặt tiêu cực của nó là tạo thêm môi trường cho vấn đề “hậu duệ” phát triển, khi sợi dây liên kết trong dòng họ càng chặt chẽ thì sự gắn kết xã hội bị ảnh hưởng hoặc thậm chí bị phá rối. Đặc biệt, những dòng họ có “đại gia” làm trụ cột (đại gia là những gia đình có quyền lực hoặc giàu có, hoặc vừa giàu có vừa quyền lực). Những “đại gia” như vậy sẽ chi phối công tác cán bộ cả một cơ quan, đơn vị hay địa phương. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ khối tài sản lớn và việc giữ cổ phần của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Điện Quang. Hay như vụ 15 người giữ các chức vụ chủ chốt được xác định là người thân và họ hàng của Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam...

Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho muôn đời con cháu mai sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Trong nhìn nhận mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, Người cũng dặn dò rất chí lý, chí tình: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta đã rất quan tâm và giải quyết tốt việc chăm sóc, đào tạo, bồi dưỡng con em cán bộ, đảng viên trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên” để kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh. Phần lớn thế hệ đảng viên đầu tiên của Đảng đều không có gia tài để lại cho con cháu, chỉ có danh thơm thì còn mãi và đó cũng là thứ tài sản vô giá, bài học kinh nghiệm gợi mở cho chúng ta những giải pháp xử lý đúng vấn đề “hậu duệ”, cũng như con đường để vận hành nền văn hóa chính trị Việt Nam thời kỳ đổi mới. (còn nữa)

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục