Bài 2: Thấy gì qua sàng lọc
Cập nhật ngày: 29/09/2020 09:53 (GMT +7)

Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 28-CT/TW, trong năm 2019, các tổ chức đảng trong toàn Đảng đã tiến hành rà soát, sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách.

Mặc dù Đảng ta chưa tiến hành sơ kết, tổng kết công tác này nhưng có thể thấy đợt sàng lọc nói trên đã góp phần quan trọng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ đảng viên trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng...

Đưa ra khỏi Đảng: Phần lớn là người trẻ

Chấp hành Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 438-KH/TU về triển khai thực hiện trong Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Rà soát 4.080 chi bộ/68.221 đảng viên, lần lượt chiếm 98,81% so với tổng số chi bộ và 98,87% số đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh Hà Giang; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ở Hà Giang đã đưa 53 đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Trong đó, 32 đảng viên phải xóa tên, 21 đảng viên buộc phải khai trừ.

Điều đáng chú ý qua đợt rà soát của Đảng bộ tỉnh Hà Giang là số đảng viên buộc phải đưa ra khỏi Đảng phần lớn là những người còn trẻ: Tuổi đời từ 18 đến 35 có đến 44 trường hợp; tuổi trên 60 chỉ có 1 trường hợp.

Khảo sát kết quả rà soát ở một số đảng bộ trực thuộc Trung ương cũng cho thấy kết quả tương tự. Như ở Đảng bộ tỉnh Nam Định, qua rà soát phát hiện 927 đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng hoặc các nguyên tắc, quy định của Đảng, trong đó phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 45. Ở Nghệ An, qua rà soát, sàng lọc năm 2019 đã đưa ra khỏi Đảng 883 người, trong đó phần lớn là đảng viên dự bị và người dưới 45 tuổi.

Việc phần lớn đảng viên vi phạm kỷ luật và phải đưa ra khỏi Đảng là người trẻ nói lên nhiều điều. Cho thấy, công tác phát triển Đảng ở nhiều nơi trong thời gian gần đây thiếu chặt chẽ, ý thức kỷ luật Đảng của người trẻ chưa tốt, trách nhiệm bồi dưỡng, phát triển đảng viên trẻ chưa được coi trọng. Trong điều kiện nhiều tỉnh miền núi, nông thôn đang khó khăn về nguồn phát triển đảng viên; chúng ta buộc phải đưa nhiều người trẻ ra khỏi Đảng do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, dù sao, cũng là điều đáng tiếc. Đáng tiếc nhưng vẫn phải làm, vì điều đó rất cần thiết cho việc củng cố, nâng cao sức mạnh của tổ chức Đảng.


Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo.

Người vi phạm thường có trình độ cao

Ông Đinh Trọng Tấn, nguyên Huyện ủy viên, nguyên đại biểu HĐND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh bị khai trừ ra khỏi Đảng và sau đó còn bị tòa án tuyên phạt 27 tháng tù giam với tội trạng khó có thể tin được ở người từng đứng đầu một đảng ủy cơ sở. Vì bất mãn cá nhân, ông này sử dụng điện thoại để nhắn tin cho nhiều người, vu khống, bôi nhọ lãnh đạo huyện. Trong sinh hoạt cá nhân, ông này còn lừa đảo người dân trên địa bàn bằng việc nhận tiền và hứa lo việc làm...

Trường hợp ông Đinh Trọng Tấn có thể thấy, mặc dù cơ chế bầu cử, quy trình lựa chọn cán bộ đứng đầu của Đảng ta hiện nay rất chặt chẽ, nhưng vẫn còn có “con voi chui lọt lỗ kim”. Một người thoái hóa, biến chất nghiêm trọng như ông Đinh Trọng Tấn, tại sao lại “lọt” qua rất nhiều "cửa" sàng lọc khắt khe để đứng đầu một đảng bộ! Trong thời gian qua, Đảng ta đã xử lý kỷ luật rất nhiều cán bộ cấp cao, có người là Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, nhưng điều đó xin được phân tích trong một chủ đề khác. Điều đặt ra qua đợt rà soát vừa qua là phần lớn người vi phạm kỷ luật Đảng lại là người có trình độ cao. Ví dụ, ở Hà Giang, phần lớn đảng viên buộc phải đưa ra khỏi Đảng là cán bộ, công chức, viên chức; đây là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, trình độ lý luận cũng từ trung cấp trở lên, tỷ lệ cao cấp lý luận và cử nhân chính trị cũng không nhỏ.

Thực trạng trên thực ra không có gì lạ. V.I.Lênin từng đưa ra cảnh báo từ cách đây hơn 100 năm: Khi đảng trở thành đảng cầm quyền thì sức hấp dẫn rất lớn, không tránh khỏi đám người hám lợi chui vào đảng. Đối với Đảng ta hiện nay, có rất nhiều “con đường” để những người cơ hội “chui” vào Đảng. Một số học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi được kết nạp Đảng trước khi vào đại học như một “phần thưởng” trong khi các em chưa được giáo dục, rèn luyện chính trị kỹ lưỡng. Nhiều sinh viên tìm cách vào Đảng sớm để có thêm “bảo bối” tìm việc trong các cơ quan công quyền. Không ít thanh niên được kết nạp Đảng vội vàng trước khi nhập ngũ... Rất nhiều chi bộ hiện không có kế hoạch rèn luyện, thử thách quần chúng là đối tượng cảm tình Đảng; cũng như chỉ làm kế hoạch kiểu đối phó về thử thách đảng viên dự bị. Hiện tượng không ít “cậu ấm, cô chiêu” có quan lộ thần tốc bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua đã cho thấy, việc chăm lo “đầu vào” của Đảng ở không ít tổ chức cơ sở đảng bị buông lỏng.

Những lý do... lãng xẹt

Năm 2017, chúng tôi có dịp đi khảo sát công tác xây dựng Đảng ở cơ sở tại nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước. Một điều mà nhiều bí thư cấp ủy và cán bộ chuyên trách ngành tổ chức-cán bộ băn khoăn là tình trạng đảng viên buộc phải bỏ sinh hoạt Đảng do điều kiện mưu sinh. Ví dụ, nhiều đảng viên ở nông thôn các tỉnh miền Tây Nam Bộ về các thành phố lớn như Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh tìm việc làm nên đã không tham gia sinh hoạt Đảng đầy đủ. Đợt rà soát, sàng lọc vừa qua, số người bị đưa ra khỏi Đảng do bỏ sinh hoạt Đảng, chậm chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng, chậm đóng Đảng phí theo quy định của Điều lệ Đảng chiếm tỷ lệ rất cao. Đó là điều đáng tiếc, nhưng cũng không có gì ngạc nhiên, bởi đó là những lý do có thể định lượng sau khi căn cứ vào quy định của Điều lệ Đảng. Chia sẻ trên Báo Hà Giang, đồng chí Hà Thị Thu Hậu, chuyên viên Ban Tổ chức-Nội vụ TP Hà Giang, cho biết: Qua rà soát, sàng lọc đảng viên lần thứ nhất ở TP Hà Giang, điều khiến đồng chí trăn trở, tiếc nuối là một trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng chỉ vì không làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định, quá 3 tháng không nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng mà không có lý do chính đáng.

Kỷ luật Đảng là kỷ luật sắt, chúng ta cương quyết xử lý kỷ luật những người vi phạm Điều lệ Đảng, theo đúng quy định hiện hành, “pháp bất vị thân”, cho nên những trường hợp bị xử lý vì những lý do nói trên là thỏa đáng. Tuy nhiên,  từ mục tiêu mà Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư đề ra trong sàng lọc đảng viên là kiên quyết đưa “một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng; một số có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” ra khỏi Đảng, cho thấy, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để công tác sàng lọc đảng viên đạt được mục đích đề ra.

Năm 1971, trong tình thế đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, Đảng ta vẫn quyết định tiến hành một cuộc sàng lọc đảng viên. Chỉ thị số 192-CT/TW ngày 26-10-1971 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng trong Cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh”, khẳng định: “Muốn đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng được đúng, khỏi phạm sai lầm, thì cần nắm vững đường lối, phương châm xây dựng Đảng, có sự điều tra nghiên cứu kỹ tình hình, thẩm tra xác minh chu đáo; có chính sách, phương châm xử lý đúng đắn; khi kết luận phải cân nhắc khách quan, toàn diện, tuyệt đối không được thành kiến, phiến diện hoặc qua loa, tắc trách”.

Sau gần 50 năm, Đảng ta lại có một chỉ thị mới về sàng lọc đảng viên. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong “nhiệm vụ then chốt” của cách mạng Việt Nam. Thực trạng qua đợt sàng lọc vừa qua cùng kinh nghiệm sàng lọc đảng viên của Đảng trong suốt hơn 90 năm qua là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào thành công của công tác này.

Và đó cũng là cơ sở để nhóm tác giả loạt bài này đề xuất với Đảng một số kiến nghị trong bài báo tiếp theo.

(còn nữa)

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục