Đừng vì khoái lạc vật chất tầm thường
Cập nhật ngày: 18/02/2021 07:46 (GMT +7)

Năm nay, anh bạn tôi rất vui vẻ, hào hứng khi được đón Tết trong ngôi nhà mới cao tầng, bề thế. Sau gần 3 năm thi công, ngôi nhà trị giá hơn 10 tỷ đồng hoàn thành trong sự “ngưỡng mộ” của hàng xóm, láng giềng về độ chịu chơi của anh bạn.

Chuyện không có gì đáng nói nếu gia đình anh bạn có nhu cầu ở, sinh hoạt trong ngôi nhà ấy. Đằng này, nhà có 4 người, gồm vợ, chồng và hai con lại ở trong ngôi nhà tổng diện tích mặt sàn hơn 1.000m2, trong khi đó, ngôi nhà cũ bên cạnh, cao 3 tầng tổng diện tích gần 400m2 lại để không, quả là một sự lãng phí.


Trong lúc "trà dư tửu hậu", anh bạn bật mí, mấy ông ở cơ quan hay kể chuyện về nhà to, nhà đẹp, mình phải làm cái nhà cho ra dáng, dù phải vay ngân hàng nhưng có nhà mới để thiên hạ đỡ coi thường. Nghe đâu, đợt tới anh bạn sẽ quay video toàn cảnh ngôi nhà phát lên mạng xã hội để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Trái ngược với thái độ vui vẻ, phấn khởi đón Tết của anh bạn thì nét mặt cô em họ của tôi vốn làm nghề tự do, thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi gia cầm lại buồn rầu. Hỏi ra mới hay, cuối năm Canh Tý 2020, cô em tôi đặt mua chiếc túi xách hàng hiệu ở nước ngoài, nhưng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên hàng không về kịp để có túi du xuân, chơi Tết nên sinh ra bức xúc. Khi tôi hỏi lại: Nhà em còn khó khăn, nồi bánh chưng còn chưa đầy, mâm cơm ngày Tết chưa phong phú các món ăn, sao em có thể đầu tư lãng phí vậy? Thì tôi nhận được câu trả lời: Anh đúng là lạc hậu, cổ hủ, mình phải có đồ đắt tiền, có hàng hiệu để các bạn đỡ coi thường!

Cũng giống như anh bạn và cô em họ tôi, nhiều người trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã không tính tới điều kiện kinh tế, chạy theo mốt thời thượng, trang hoàng cho mình những chiếc xe sang, những chiếc đồng hồ tiền tỷ cùng nhiều món đồ hàng hiệu tính theo giá USD. Dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhưng vẫn có nhiều cậu ấm, cô chiêu hát hò, chơi ma túy khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ mới khai nhận là: Hút, chích mới thể hiện độ chịu chơi, đẳng cấp.

Các điều kiện vật chất là nhu cầu cần thiết, là quyền của mỗi người, đồng thời để đánh giá chất lượng của cuộc sống, nhưng hưởng thụ sao cho phù hợp với hoạt động lao động sản xuất, học tập, giao tiếp trong xã hội ta hiện nay là điều đáng bàn và đáng phải quan tâm. Thời gian qua, một bộ phận công chúng, trong đó có cả cán bộ, đảng viên chỉ lo hưởng thụ, tô điểm cho bản thân, quên đi những người xung quanh, quên đi những lời qua, tiếng lại của cộng đồng. Điều này đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lệch chuẩn đạo đức, khủng hoảng giá trị sống, là một biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Đi liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam là lịch sử hình thành và phát triển lối sống của người Việt Nam. Lối sống của người Việt Nam mang bản sắc truyền thống là nhẹ nhàng, tế nhị, kín đáo, giản đơn, hòa đồng với cộng đồng, với thiên nhiên; phấn đấu cho lý tưởng độc lập, tự do, bảo vệ chính nghĩa, xây dựng cuộc sống phồn vinh. Khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện cho lối sống năng động; khuyến khích lối tư duy táo bạo, khám phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để nhanh chóng vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, một số người hình thành lối sống tự do, phong cách sống có tính sòng phẳng, thậm chí đề cao tính thực dụng, đó là thực tế của xã hội, cần điều chỉnh, thu hẹp.

Hưởng lạc, thích khoe mẽ, khoa trương, thể hiện bản thân với những người xung quanh, hưởng thụ quá đà, sùng bái hàng ngoại... là biểu hiện lối sống không lành mạnh, thực dụng, đề cao một chiều giá trị vật chất, xem đồng tiền là trên hết, không phù hợp với lối sống truyền thống của dân tộc ta. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên có lối sống hưởng lạc, thỏa mãn những nhu cầu vật chất tầm thường, không những vi phạm phẩm chất, đạo đức, phai nhạt lý tưởng mà còn làm mai một giá trị của lối sống theo lý tưởng nhân văn cao đẹp mà cha ông ta và các thế hệ tiền bối đi trước dày công vun đắp. Lối sống hưởng lạc sẽ là cơ sở để con người ta chạy theo những tham vọng bất chính, những điều kiện và phương thức sống thiếu lành mạnh. Đó là một trong những yếu tố dễ nảy sinh những hành vi tham nhũng, lãng phí; chạy chức, chạy quyền; coi thường pháp luật và kỷ cương, phá vỡ dân chủ và đoàn kết để thực hiện mục đích làm giàu.

Lối sống hưởng lạc theo các nhà khoa học xã hội nhân văn khái quát, là lối sống lấy khoái lạc vật chất tầm thường làm mục đích sống. Bản chất của lối sống này sẽ gây nên những nhức nhối trong xã hội, dẫn đến tư tưởng xem thường thuần phong mỹ tục, thậm chí xem rẻ nhân phẩm con người; phá hủy, bào mòn những nền tảng tinh thần đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Nguyên nhân hiện hữu dẫn tới một bộ phận người dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên đang chạy theo lối sống hưởng lạc, đó là công tác giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống của nhiều tổ chức chính trị-xã hội và từng gia đình chưa đi vào chiều sâu, chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả không cao.


Khung cảnh đầm ấm trong ngày Tết của gia đình người Việt. Ảnh:qdnd.vn 

Những tác động tiêu cực từ mặt trái nền kinh tế thị trường ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống thích hưởng lạc của một nhóm người, cùng với đó là việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người chưa được các cấp, các ngành chú trọng. Một số tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội; chưa có biện pháp đấu tranh với bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng. Một bộ phận quần chúng nhân dân có nhận thức về giá trị sống chưa đúng, có biểu hiện sống gấp, tuyệt đối hóa điều kiện vật chất và kỹ thuật, lấy phương tiện sống làm thước đo sự phát triển con người...

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, người Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ lối sống truyền thống của dân tộc, biết chọn lọc những giá trị tiến bộ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Lối sống lành mạnh, tốt đẹp, không khoe mẽ, không phô trương, không chạy theo mốt sẽ là nội lực của mỗi con người, phấn đấu cho hạnh phúc của cá nhân, của gia đình, đồng thời cho sự phát triển và tiến bộ của toàn xã hội. Để hạn chế đi đến chấm dứt lối sống hưởng lạc, các cấp, các ngành cần chú trọng hơn công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam. Thực hiện những giải pháp đột phá mang tính chất chiến lược, dài hơi về bồi dưỡng kỹ năng sống nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội

Đảng, nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Các cấp, các ngành, các đơn vị từ Trung ương, đến địa phương cần cụ thể hóa những đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay phù hợp với từng giới, từng ngành, địa phương, đơn vị, kết hợp sâu sắc giữa giá trị truyền thống tốt đẹp và giá trị đạo đức trong tình hình mới. Kiên quyết đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; tích cực bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, các giá trị văn hóa trong thanh niên, nhất là lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, lối sống.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục