Bác sĩ quân y sáng ngời y đức
Cập nhật ngày: 18/06/2019 07:59 (GMT +7)

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, 28 năm hoạt động trong ngành y, Thượng tá, Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Vân Anh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá 43 (Cục Hậu cần) luôn sống với nghề bằng trách nhiệm và đạo đức, không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi năng lực chuyên môn, được đồng nghiệp tin tưởng, người dân quý mến.


Thượng tá Trần Thị Vân Anh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá 43 (Cục Hậu cần) khám bệnh cho bộ đội. 

Trở thành bác sĩ không phải là ước mơ từ bé của Thượng tá Vân Anh, song cái duyên đã đưa chị đến và gắn bó với nghề. Năm 1986, khi vừa tròn 17, chị tình nguyện nhập ngũ tại Bộ Tham mưu, thông minh, ham học nên sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới chị được đơn vị cử đi học tại trường Trung cấp Quân y (nay là Cao đẳng Quân y). Năm 1991, sau khi tốt nghiệp, dù được giữ lại trường song chị xin trở lại Quân khu 1 và được phân công làm y sĩ tại Bệnh xá 43. Thời điểm này, do giao thông đi lại chưa thuận tiện, thông tin liên lạc còn khó khăn nên đa số sản phụ trên địa bàn xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) và một số xã lân cận lựa chọn sinh con ở Bệnh xá 43 “cho gần và tiện lợi”. Lúc này, cơ sở vật chất của đơn vị còn nghèo nàn song vẫn nhận đỡ cho hàng trăm ca, giúp hàng trăm sản phụ “mẹ tròn con vuông”. Đồng nghiệp trong đơn vị vẫn kể lại câu chuyện nữ y sĩ trẻ Trần Thị Vân Anh liều mình cứu trẻ. Đó là ca sinh vào lúc nửa đêm, sản phụ chuyển dạ đã lâu nhưng khó sinh do thai to, tuổi lại cao. Sau sinh, em bé bị ngạt nặng, không khóc, tím tái nếu không can thiệp nhanh sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Lúc ấy, không có đầy đủ thiết bị như bây giờ, nên khi bế bé trên tay chị rất thương. Ngay lập tức, chị không ngần ngại dùng miệng hút đờm và dịch từ miệng, mũi của bé ra, khơi thông được đường thở cho bé, chỉ hơn phút sau bé khóc to, da hồng hào khiến chị và mọi người thở phào nhẹ nhõm. Mỉm cười nhớ lại, chị bày tỏ: Dù biết làm vậy bản thân sẽ gặp nguy cơ phơi nhiễm rất cao, song trước tính mạng của người bệnh nhất lại là một em bé, mình luôn sẵn sàng.

Để phát triển từ một y sĩ đến bác sĩ chuyên khoa 1 giỏi, Bệnh xá trưởng Trần Thị Vân Anh chính là một tấm gương trong việc tự học, tự rèn. Vốn ham học hỏi, trong vòng 13 năm (1995-2008), chị tranh thủ vừa làm, vừa tiếp tục đi học đại học, rồi đến bác sĩ chuyên khoa I tại Đại học Y Thái Nguyên. Năm 2009, chị được bổ nhiệm làm Bệnh xá phó rồi đảm nhiệm chức vụ Bệnh xá trưởng từ năm 2011 đến nay. Trên cương vị mới, đòi hỏi người chỉ huy phải có kiến thức tổng hợp cao cả về trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, song chị không quản ngại khó khăn, tích cực học hỏi, dần dần hoàn thiện, trở thành bác sĩ giỏi, người quản lý tốt được bệnh nhân tin tưởng, đồng nghiệp quý mến. Dù công việc bận rộn và nhiều áp lực, song chị vẫn sát sao tới từng ca bệnh, từng trường hợp bệnh nhân. Thượng tá Nguyễn Sỹ Đạo, Phó chủ nhiệm Quân y Quân khu cho biết: “Thượng tá Trần Thị Vân Anh là một cán bộ gương mẫu, có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý tốt. Vân Anh là tấm gương tự học, tự rèn để cán bộ, nhân viên trong Bệnh xá học tập, noi theo”. 

Với mục tiêu xây dựng Bệnh xá trở thành địa chỉ tin cậy, thu hút ngày càng đông quân nhân và người dân đến khám, chữa bệnh, Bệnh xá trưởng Trần Thị Vân Anh hiểu rằng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là yếu tố then chốt, trong đó nâng cao trình độ, tay nghề của đội ngũ y sĩ, bác sĩ là nhân tố quyết định. Ngoài việc bồi dưỡng tại đơn vị, trên cương vị chỉ huy, chị nhận thấy đơn vị thiếu các bác sĩ chuyên khoa lẻ, từ đó chị chủ động chọn người, bố trí công việc hợp lý để anh em đi học nâng cao trình độ ở các bệnh viện lớn như 108 103, Bệnh viện y học cổ truyền.... Kết quả, từ năm 2014-2018, hơn 80% cán bộ, nhân viên đã hoàn thành chương trình học, hiện nay Bệnh xá đã có đầy đủ bác sĩ, nhân viên chuyên môn ở tất cả các chuyên ngành: Xquang, tai-mũi-họng, xét nghiệm... đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của bệnh nhân, trung bình mỗi năm Bệnh xá khám, điều trị cho trên một nghìn lượt người. Trong điều kiện nhân lực còn thiếu, chị định hướng để các bộ phận sắp xếp, phân công luân phiên, bố trí cán bộ, nhân viên hợp lý để mỗi ca trực đều có đầy đủ các thành phần theo quy định, mỗi người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác như: nhân viên xét nghiệm làm thêm nhiệm vụ thống kê; nhân viên X-quang kiêm thêm khám bệnh... đảm bảo kịp thời thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. 

Quá trình công tác, chị luôn nêu cao y đức trong khám, chữa bệnh và tâm niệm theo lời Bác “thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu". Bởi với chị, nghề thầy thuốc là một nghề cao quý, là nghề chữa bệnh cứu người cho nên người thầy thuốc không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Từ đó, chị luôn yêu cầu cán bộ, nhân viên trong đơn vị phải thực hiện nghiêm những quy định về đạo đức nghề nghiệp, giải quyết thủ tục nhanh và tuyệt đối nói không với phong bì, hạch sách người bệnh. 

Khi chúng tôi hỏi, trong quá trình công tác, điều gì khiến chị trăn trở nhất, chẳng phải suy nghĩ lâu chị Vân Anh bày tỏ: “Mình luôn ấp ủ xây dựng được một khu điều trị vật lý trị liệu hoàn chỉnh, phát triển đội ngũ cán bộ và cơ sở hạ tầng chuyên sâu về lĩnh vực đông y. Qua đó, vừa giúp chữa một số bệnh hoặc hỗ trợ quá trình điều trị bệnh cho quân và dân trên địa bàn, vừa tận dụng, phát triển được nguồn thuốc nam quý giá”. Phát triển đông y, cũng là một trong những lời căn dặn của Bác đối với cán bộ ngành y, trong lá thư Bác gửi cán bộ ngành Y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2-1955, Bác viết “...Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”...”. Nắm bắt, nhận rõ nhu cầu của người bệnh đồng thời xác định đúng hướng phát triển, phù hợp với đặc điểm đơn vị và làm theo đúng lời Người dạy đã và đang là cách hiệu quả nhất giúp nữ Bệnh xá trưởng tạo sự đồng lòng, đoàn kết trong toàn thể cán bộ, nhân viên. 

Với những nỗ lực, đóng góp của mình, từ năm 2015-2018, Thượng tá Trần Thị Vân Anh liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2017 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân cùng 10 bằng khen, 9 giấy khen của các cấp trao tặng, đồng thời chị đang được cấp trên đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Đặc biệt, năm 2018 chị là nữ quân nhân duy nhất đại diện cho hơn 1.000 chị em đang công tác tại LLVT Quân khu 1 được tham dự Hội nghị biểu dương Phụ nữ điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2018 và được Tổng cục Chính trị tặng bằng khen.

Bài và ảnh: HƯƠNG DỊU
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục