Mỗi khi nói về cuộc chiến đấu bảo vệ Phủ Lạng Thương cách đây hơn nửa thế kỷ, cán bộ và nhân dân phường Thọ Xương (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) vẫn nhắc đến công lao của Trung đội nữ dân quân Nam Hồng với người Trung đội trưởng Nguyễn Thị Nga.

Năm nay đã 74 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Nga, nữ Trung đội trưởng dân quân năm xưa vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng. 


Bà Nguyễn Thị Nga ôn lại kỷ niệm thời chiến đấu.

Nhắc lại những tháng ngày chiến đấu bảo vệ TP, bà Nga nhớ về bao trận đánh ác liệt. Trong gia đình bà Nga, bố và chú ruột là tù nhân Côn Đảo; một chú là bộ đội Nam Tiến từ năm 1946 và một chú là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phát huy truyền thống gia đình, cô gái Nguyễn Thị Nga sớm tham gia các phong trào ở địa phương. Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, cầu Phủ Lạng Thương là một trong những trọng điểm giặc Mỹ quyết đánh phá nhằm ngăn chặn sự chi viện vũ khí, khí tài, lương thực, thực phẩm… từ các nước XHCN và miền Bắc cho miền Nam. 

Tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Giữa lúc đó (tháng 9-1965), bà Nga nhận quyết định làm Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân Nam Hồng (Thọ Xương) cùng 36 chị em khác. 

Trung đội có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu nên đã đăng ký với hợp tác xã nhận 5 mẫu ruộng gần nơi tập kết để canh tác. Với tinh thần lao động hăng say nên dù điều kiện sản xuất khó khăn, các nữ dân quân vẫn bảo đảm năng suất từ 5 - 5,5 tấn/ha. 

Trong chiến đấu, trung đội có nhiệm vụ bắn máy bay thấp và bổ nhào bằng súng 12,7 ly và súng bộ binh khác nên hằng ngày các nữ dân quân phải luyện tập theo các phương án tác chiến đề ra. Đồng thời hợp đồng chiến đấu với các đơn vị pháo binh, trong đó có pháo 100, 57, 37 ly. 

Vì thế nữ Trung đội trưởng Nguyễn Thị Nga phải dày công nghiên cứu để tổ chức, huấn luyện, chỉ huy và thay thế các pháo thủ khi cần thiết. Mọi người đều khen ngợi nữ trung đội trưởng tuy tuổi trẻ nhưng tinh thần gan dạ, mưu trí, linh hoạt và quyết đoán, luôn có mặt ở nơi khó khăn, nguy hiểm.

Cuối năm 1966 và năm 1967, địch mở chiến dịch đánh liên tục tại khu vực này cả ban ngày lẫn ban đêm, sử dụng các loại máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ như: F105 (thần sấm), F4 (con ma), A4D (giặc nhà trời), AD6 (thanh bảo kiếm), F101 (thập tự quân), F111 (kẻ đột nhập), B52 (pháo đài bay)… và luôn thay đổi chiến thuật nên bà Nga cùng đồng đội càng ra sức bám trận địa góp phần làm nên những chiến công. 

Có thể kể đến trận bắn rơi 2 máy bay Mỹ khi chúng vào đánh cầu và trận địa pháo 37 ly ở gần bờ sông bằng bom phá, bom cháy, có điều khiển bằng laze làm nhiều chiến sĩ thương vong. Lúc đó, trung đội nữ dân quân Nam Hồng phải băng bó cho các chiến sĩ và đưa xuống thuyền cấp cứu, đưa các chiến sĩ hy sinh đi mai táng. 

Bà Nga còn nhớ như in trận hôm đó trời nắng nóng như thiêu đốt, mặt đất rung chuyển, khói đen nghi ngút… bà Nga lệnh cả trung đội lên trận địa pháo. Càng gần đến nơi càng thấy cờ trắng phất liên tục (tín hiệu báo cấp cứu và cần người) rồi một người kêu to: “Ôi bị thương nhiều quá”! Thế là 15 chị em lao lên các mâm pháo thay thế các pháo thủ. Mấy chiếc F105 lại lao đến đánh cầu. 

Các trận địa thi nhau nhả đạn, bầu trời đỏ rực đạn pháo các cỡ. Một chiếc bốc cháy như bó đuốc trên bầu trời, rồi lao rơi về phía Tây- Bắc. Tiếng reo hò vang dậy! Mấy chiếc còn lại hoảng hốt trút bom bừa bãi, mặt đất như bị hất tung lên, khói bom, đạn và khét lẹt... Một tảng đất lớn đập trúng đầu làm bà Nga ngã khuỵu, ngất xỉu. 

Nhưng khi đồng đội chạy đến định đưa về nơi tập kết, thì nữ đội trưởng tỉnh lại, bật dậy hô: “Tất cả về vị trí chiến đấu”!. Tiếng pháo lại nổ, mấy chiếc máy bay gầm rú, hốt hoảng tháo chạy, trận địa trở nên im lặng. Lúc này bà Nga mới để chị em đưa về hầm để băng bó.

Dữ dội nhất là trận đánh ngày 3-3 âm lịch năm 1966, quân ta bắn rơi 3 máy bay địch nhưng địch đánh bom trúng khẩu đội 1, đại đội 4 pháo 57 ly làm pháo đổ sập, các chiến sĩ của ta đều hy sinh. Bà Nga lệnh cả trung đội xuống mò vớt thi hài các chiến sĩ suốt 4 giờ để đưa đi mai táng. Chứng kiến sự hy sinh quá tàn khốc, nhiều nữ dân quân đã bật khóc.

Trong những năm tháng chiến đấu, Bà Nga được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba; nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương về thành tích chiến đấu, huấn luyện dân quân. 

Nữ dân quân này 4 năm được công nhận là chiến sĩ thi đua, 3 năm là Chiến sĩ Quyết thắng, nhiều lần được đi báo cáo thành tích ở quân khu, T.Ư Đoàn, Hội. Lịch sử Đảng bộ phường Thọ Xương và các tư liệu lịch sử địa phương còn mãi ghi nhớ công lao của Trung đội nữ dân quân Nam Hồng và người đội trưởng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Phủ Lạng Thương năm xưa.

Hiện nay bà Nga đã bước sang tuổi 74 nhưng luôn là tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, nuôi dạy con cháu thành đạt. Hằng năm gia đình bà đều được công nhận danh hiệu văn hóa. Đồng thời bà tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng dân cư như góp công góp của cải tạo, xây dựng đường ngõ phố. 

Bà còn đứng ra duy trì hoạt động truyền thông của Trung đội nữ dân quân Nam Hồng hiện nay có sự tham gia của 63 chị em với việc tổ chức thăm hỏi khi ốm đau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và là đầu mối kết nối với Ban Liên lạc E216 và Sư đoàn 365 Phòng không - Không quân.

Theo BaoBacGiang
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục