Chỗ dựa tin cậy của nạn nhân chất độc da cam
Cập nhật ngày: 04/08/2018 09:41 (GMT +7)

Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/đioxin tỉnh Thái Nguyên thành lập từ tháng 4/2006. Nhiều năm qua, bằng tinh thần, trách nhiệm và những việc cụ thể, các cấp Hội trở thành địa chỉ tin cậy, là mái nhà chung giúp của các nạn nhân da cam. Tham gia Hội, các hội viên có điều kiện chia sẻ, động viên, hỗ trợ nhau kịp thời để vượt qua nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.


Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh và đại diện một số đơn vị tham gia Lễ khởi công xây nhà Đại đoàn kết cho bà Ma Thị Liêm ở xóm Đồng Tô, xã Bình Thành (Định Hóa, Thái Nguyên).

Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 11 nghìn hội viên, sinh hoạt ở  1.052 chi hội, 180 Hội cấp xã thuộc 9 huyện, thành, thị. Trong đó, hội viên là nạn nhân trực tiếp là hơn 9 nghìn, còn lại là nạn nhân gián tiếp… Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh ta đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Với vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân chất độc da cam, Hội NNCĐDC/đioxin là cầu nối giữa nạn nhân với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị để chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Để công tác Hội đạt được nhiều kết quả, trở thành điểm tựa cho mỗi hội viên, những năm qua, Hội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tham mưu, đề xuất ban hành chủ trương, kế hoạch của UBND tỉnh theo từng thời điểm trúng, đúng, kịp thời. Nổi bật như: Đề xuất chuyển Qũy Nạn nhân chất độc da cam từ Hội Chữ thập đỏ về Hội quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 43/CT - TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đến cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân. Qua đó, vận động cộng đồng xã hội cùng chung tay ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Hội thường xuyên kiện toàn tổ chức cả về chất lượng lẫn số lượng, công tác phát triển hội viên luôn được quan tâm. Hội tích cực tập huấn cho cán bộ hội nâng cao năng lực, trình độ nhất là thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật  về chính sách với người bị nhiễm chất độc da cam và thân nhân họ.

Công tác vận động nguồn lực luôn được Hội đổi mới, đa dạng về đối tượng và phương pháp vận động. Nhờ đó, trong 5 năm qua, Hội đã huy động được trên 22 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân da cam; nhiều tổ chức, cá nhân đã trực tiếp ủng hộ cho gia đình nạn nhân. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Như (80 tuổi) xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) là một ví dụ. Một mình bà nuôi 7 người con và cháu nạn nhân, sau khi đăng tin trên facebook, đã được các đơn vị, nhà hảo tâm giúp đỡ trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn phát động, vận động hội viên tự nguyện đóng góp xây Quỹ tiết kiệm với số tiền lên đến 6 tỷ đồng, trực tiếp giúp hội viên vay không lãi để phát triển sản xuất.

Công tác chăm sóc, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam được Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực như thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết; hỗ trợ làm nhà mới, sửa nhà; hỗ trợ vốn sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí… Từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội tặng quà cho 56 nghìn lượt nạn nhân với tổng số tiền 12 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 159 nhà; hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo cho trên 3 nghìn người; khám bệnh cấp thuốc miễn phí trên 11 nghìn lượt người; gần 1.200 hộ được hỗ trợ vay vốn sản xuất; hàng nghìn người được trợ cấp khó khăn, tặng các vật dụng sinh hoạt, học tập thiết yếu cho nạn nhân và con cháu nạn nhân…

Để việc giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng nhu cầu và đạt hiệu quả, Hội đã tổ chức điều tra, khảo sát số lượng, gia cảnh nạn nhân. Qua đó, phân loại mức độ khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ kịp thời. Trong quá trình hoạt động, các cấp Hội phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Hội tích cực giới thiệu và vận động các đơn vị, cá nhân giúp đỡ lâu dài theo chủ đề “Mỗi địa chỉ một tấm lòng”. Kết quả, đã có 6 gia đình nạn nhân nhận được sự giúp đỡ, điển hình như: Lữ đoàn 210 (Quân khu 1) và Hội Làm vườn tỉnh giúp đỡ gia đình nạn nhân Nguyễn Trọng Hợp, xã Tân Quang (T.P Sông Công); Khoa Tiếng Đức (Đại học Hà Nội) giúp đỡ gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Tuân ở phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên; Đài Phát thanh - Truyền hình và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giúp đỡ gia đình bà Hoàng Thị Hằng, xã Động Đạt (Phú Lương)...

Với những thành tích đó, hàng năm Hội đều được Trung ương Hội, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Cờ thi đua, Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2016, Hội được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.   

Theo BaoThaiNguyen
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục