Huyện Đại Từ (Thái Nguyên) Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh
Cập nhật ngày: 01/06/2022 10:04 (GMT +7)

Đại Từ là huyện giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, có diện tích tự nhiên 56.903 ha với 174.162 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc cùng chung sống. Năm 2019, huyện được công nhận là vùng An toàn khu, trong đó có 27/30 xã, thị trấn là xã An toàn khu; thị trấn Hùng Sơn được công nhận là đô thị loại 4. Toàn huyện có 169 điểm di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 40 di tích cấp tỉnh và 9 di tích cấp Quốc gia. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc.


Lãnh đạo huyện Đại Từ cùng các nhà báo tham quan sản phẩm của Hợp tác xã Chè La Bằng.

Cùng đoàn cán bộ Hội nhà báo Thái Nguyên đi thực tế tại huyện Đại Từ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay khởi sắc nơi đây. Trên con đường uốn lượn quanh các đồi chè xanh mát, thấp thoáng là những nhà máy, dự án, công trình phát triển kinh tế- xã hội đang bừng ánh điện. Trong câu chuyện bên ấm chè La Bằng, đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên, Bí thư Huyện uỷ Đại Từ Phạm Duy Hùng phấn khởi trao đổi với chúng tôi: Để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Huyện uỷ Đại Từ trong từng giai đoạn và từng năm đều lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá để tập trung cao cho lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vừa chống dịch COVID-19 hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất của các ngành đều tăng; các lĩnh vực văn hoá-xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí thị xã. Đặc biệt, Đại Từ còn là một trong số ít huyện của tỉnh Thái Nguyên duy trì được tốc độ phát triển kinh tế vượt trội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 10,88%; giá trị sản xuất của các ngành qua các năm đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng.

Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Anh cho biết: Để khai thác những tiềm năng vốn có và đẩy mạnh thu hút đầu tư, Đại Từ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiện nay, 100% các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được thảm bê tông nhựa; 97% đường huyện và đường trục xã được thảm nhựa hoặc đổ bê tông; 58% đường xóm, đường nội đồng đã được bê tông hóa… Cùng với đó là các công trình hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị để thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Đến nay, huyện Đại Từ đã có hàng chục dự án phát triển đô thị, nhiều dự án đang thi công và nhiều dự án đã cơ bản hoàn thành. Có thể kể đến như: Dự án khu đô thị số 1 thị trấn Hùng Sơn do Công ty cổ phần BCD Group đầu tư xây dựng, Dự án khu đô thị Phố chợ 2, thị trấn Hùng Sơn với diện tích 3,5ha do Công ty TNHH Phố chợ Đại Từ đầu tư…


Công nhân nhà máy may Đại Từ - Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG trong giờ làm việc.

Xác định nông nghiệp là thế mạnh, Đại Từ đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện hướng đến xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, quy hoạch các vùng cây ăn quả; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 17 sản phẩm OCOP, trong đó đã tập trung quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu Chè Đại Từ. Giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận OCOP, toàn huyện có thêm từ 25 sản phẩm trở lên được công nhận, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao. Đồng thời, xây dựng ít nhất 1 cửa hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện và 10 điểm giới thiệu tại các xã…

Bên cạnh thế mạnh nông nghiệp, Đại Từ cũng có nhiều tiềm năng phát triển ngành du lịch và dịch vụ. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với sản phẩm du lịch chính là tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Định hướng đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Huyện đang ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án khu dân cư, đô thị, quần thể du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf. Huyện tập trung xây dựng 3 sản phẩm du lịch chủ lực: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc; du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vùng chè, văn hóa trà và du lịch lịch sử về nguồn... Trong đó, Hồ Núi Cốc là trung tâm, là điểm nhấn để lan tỏa, kết nối với các điểm di tích lịch sử, tạo sự liên kết giữa An toàn khu (ATK) Đại Từ với ATK Định Hóa, Tân Trào (Tuyên Quang).

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đại Từ đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Nổi bật là luôn lãnh đạo thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng LLVT huyện là lực lượng nòng cốt tham gia giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời phát huy tốt vai trò của LLVT huyện trong tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cháy nổ, cháy rừng trên địa bàn. Bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể trong giúp đỡ nhân dân xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đã tô thắm và làm sáng ngời hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương cách mạng.

Chia tay Đại Từ khi cái nắng tắt dần sau những đồi chè xanh mát mắt, chúng tôi mang theo hình ảnh những nụ cười tươi rói của những người nông dân mới ngày nào, nay đã trở thành công nhân nhà máy may, công nhân khai thác mỏ… với mức lương ổn định; sự đổi thay nơi đây là tiền đề vững chắc để Đại Từ ngày càng phát triển đi lên giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Bài và ảnh: Khương Doãn

 

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục