Lần đầu tiên trong lịch sử, một số nước không thuộc khối OPEC tung ra gói “cứu trợ” trong bối cảnh giá dầu tăng phi mã trong thời gian gần đây.

 

Hôm nay, 23-11, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ xuất 50 triệu thùng từ Kho dự trữ dầu lửa chiến lược để tham gia bình ổn giá xăng dầu cùng một số quốc gia khác.

50 triệu thùng dầu của Mỹ sẽ góp một phần vào nỗ lực chung của các nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh nhằm “hạ nhiệt” giá dầu.


Một mỏ dầu ở Hạt Loving, Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters. 

Tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn: “Tổng thống đã sẵn sàng hành động bổ sung trong trường hợp cần thiết và sẵn sàng sử dụng toàn bộ quyền hạn của mình để phối hợp với các quốc gia trên thế giới nhằm duy trì nguồn cung khi ra khỏi đại dịch”.

Thông báo này được đưa ra sau khi chính quyền Mỹ thông báo sẽ tìm kiếm giải pháp bình ổn khi giá dầu tăng trên mức 85 USD/thùng, mức cao nhất trong 7 năm qua.

Giá xăng thành phẩm ở Mỹ hiện cũng đang ở mức cao nhất trong 7 năm qua với mức 3,409 USD/gallon (khoảng 3,78 lít), tăng từ mức 2,11 USD/gallon trong năm ngoái.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, tính tới 19-11, Kho sự trữ chiến lược của Mỹ có 604,5 triệu thùng và sẽ mất 13 ngày sau khi Tổng thống tuyên bố, dầu dự trữ mới được xuất ra thị trường. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ cũng cho biết, sẽ phải mất vài tuần để 50 triệu thùng dầu này tới được thị trường tiêu dùng và các chuyên gia cho rằng hiệu quả thực tế của nó cũng khá hạn chế. Năm 2019, Mỹ tiêu thụ 20,5 triệu thùng/ngày, trong khi trong năm 2020, nước này sử dụng 18,5 triệu thùng/ngày, thấp hơn một chút do Covid-19.

Thời gian gần đây giá dầu đã trải qua nhiều biến động, một phần do Covid-19. Hồi tháng 8 vừa qua, chính quyền Tổng thống Biden đã phải kêu gọi các nước OPEC và đồng minh tăng sản lượng để kiểm soát giá dầu. Tuy nhiên, khối OPEC đã không thay đổi quan điểm mà chỉ thực hiện theo thỏa thuận đạt được trước đó là tăng 400,000 thùng/ngày.

Trước đó, hồi tháng 4-2020, OPEC đưa ra một quyết định chưa từng có tiền lệ: Giảm 10 triệu thùng/ngày do đại dịch Covid-19 làm nhu cầu sử dụng xăng giảm mạnh. Các nước sản xuất dầu mỏ khác, trong đó có Mỹ, cũng giảm sản lượng khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất.

Sau đó, hoạt động sản xuất được phục hồi, khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng trở lại và giá dầu mỏ tăng lên mức cao nhất sau nhiều năm.

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục