Giải pháp hạ “nhiệt” giá xăng, dầu?
Cập nhật ngày: 02/11/2021 07:35 (GMT +7)

Giá xăng, dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu tháng 9-2021. Giá xăng, dầu tăng mạnh tác động đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng quá trình hồi phục kinh tế hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, cần bình ổn giá xăng, dầu thông qua việc giảm thuế, phí.

 

Thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm; trong khi, nhu cầu nhiên liệu ở các quốc gia không ngừng tăng, khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19... là những nguyên nhân chính đẩy giá các mặt hàng nhiên liệu thế giới liên tục lập đỉnh. Thị trường nhiên liệu thế giới “lên cơn sốt” gây sức ép tăng giá bán lẻ xăng, dầu trong nước.

Trong kỳ điều hành giá xăng, dầu gần nhất (ngày 26-10), liên Bộ Công Thương-Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu. Mỗi lít xăng E5RON92 tăng 1.427 đồng; xăng RON95 tăng 1.459 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng thêm từ 113 đến 1.171 đồng một lít/kg tùy loại. Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 ở mức 23.110 đồng/lít; xăng RON95 lên mức 24.338 đồng/lít-ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9-2014). Như vậy, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước đã tăng tổng cộng 4 lần từ đầu tháng 9, với mức tăng khoảng 3.000 đồng/lít với xăng và mức tăng tối đa của dầu cũng lên tới gần 3.000 đồng/lít.


 Người dân mua xăng tại cửa hàng xăng dầu phường Duyệt Trung, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Theo Bộ Công Thương: Trước áp lực tăng giá của nhiên liệu thế giới, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng, dầu, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu (Quỹ BOG) ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức từ 100 đến 2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành ngày 26-10-2021, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá dầu thế giới tăng giúp Việt Nam tăng thu ngân sách từ dầu thô; tăng thu gián tiếp từ các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, giá dầu tăng khiến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước tăng theo, tác động tới các ngành sản xuất trong nước do đây là nhiên liệu đầu vào. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng, dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Nêu rõ vấn đề này, chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đánh giá: "Giá xăng, dầu tăng sốc sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế hiện nay. Doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Nếu giá xăng, dầu-là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội tăng cao, doanh nghiệp gặp khó khăn kép, sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng, dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng, dầu tới tăng trưởng kinh tế".

Nhiều ý kiến khẳng định, thời điểm hiện tại, rất cần giữ được ổn định giá xăng, dầu. Việc này góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo đó, để kìm giá xăng, dầu, giải pháp thông qua giảm thuế được nhiều ý kiến đề cập tới. Hiện trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...).

Chia sẻ rõ điều này, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, công cụ để kiểm soát giá xăng, dầu mà Nhà nước có thể tính đến là thuế, phí, như giảm thuế nhập khẩu, hoặc thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước, từ đó dự báo mức độ tăng giá; còn Bộ Tài chính là đơn vị xem xét, trình các chính sách về thuế, phí như thế nào cho hợp lý để trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

Liên quan đến thị trường xăng, dầu, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bình ổn thị trường và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, Bộ Công Thương luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều hành theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, qua đó phối hợp với các doanh nghiệp xăng, dầu bảo đảm nguồn cung và điều hành linh hoạt, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Về bình ổn giá các mặt hàng xăng, dầu, bà Lê Việt Nga cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã trao đổi, tính toán các biện pháp, công cụ có thể vận dụng để thực hiện. Bao gồm nắm bắt số dư Quỹ BOG, nguồn cung ứng xăng, dầu của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cân nhắc có thể giảm được loại thuế nào, đơn cử như thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON92. "Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để làm sao điều hành giá xăng, dầu phục vụ tốt nhất nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp ", bà Lê Việt Nga khẳng định.

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục