Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trước “cơn gió ngược”
Cập nhật ngày: 30/05/2022 09:40 (GMT +7)

Trong bối cảnh xuất hiện những thách thức mới khi tình hình địa chính trị thế giới không ngừng biến động, truyền thông quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi theo hướng tích cực.

Triển vọng khả quan

Một báo cáo đăng trên website chính thức của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở tại Singapore đánh giá, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc mạnh mẽ từ đầu năm 2022 nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 rộng khắp, nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với sản phẩm sản xuất của nước này, động lực từ nhu cầu nội địa và các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền bỉ.

“Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Lạm phát sẽ được kiềm chế”, Tiến sĩ Sanjay Kalra, chuyên gia kinh tế tại AMRO cho hay.


   Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ảnh minh họa. Ảnh: Bloomberg

Theo AMRO, tình hình lây lan của đại dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra tại Việt Nam đã giảm mạnh từ tháng 4-2022. Quốc gia Đông Nam Á này đã nới lỏng các hạn chế biên giới cũng như những biện pháp kiểm soát dịch trong nước.

Lạm phát giá tiêu dùng của Việt Nam dự kiến vẫn được kiềm chế dưới 3,5% trong năm nay, khi các cơ quan chức năng lên kế hoạch sử dụng quỹ bình ổn giá dầu và điều hành giá để bù đắp cho áp lực phát sinh từ những diễn biến về giá năng lượng toàn cầu.

Thậm chí, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn đưa ra nhận định lạc quan hơn. Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022, ADB nhấn mạnh kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm sau.

Báo cáo này cũng chỉ ra đó là nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao, đẩy mạnh thương mại, cũng như tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries khẳng định, sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch của Chính phủ Việt Nam đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những “nút thắt” trong môi trường kinh doanh.   

Mới đây, S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), triển vọng “Ổn định”. Đặc biệt, triển vọng “Ổn định” thể hiện dự báo của tổ chức này trong vòng 12-24 tháng tới, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn và thách thức do dịch bệnh.

Trong khi đó, trang tin HK01 ở Hồng Công (Trung Quốc) cho rằng, dù phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng từ cuối năm ngoái, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi, thương mại xuất khẩu đạt kết quả vượt bậc. HK01 trích dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý I vừa qua đạt khoảng 35 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước.

Những trở ngại mới

Trong một bài viết, Nhật báo kinh tế của Trung Quốc nêu rõ, dù đang dần phục hồi, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với “cơn gió ngược” mới phát sinh từ bên ngoài, như toàn cầu hóa kinh tế gặp khó khăn, xuất hiện xu hướng phát triển khu vực hóa, lạm phát gia tăng, xung đột Nga-Ukraine...

Bài viết lý giải, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nguồn cung nguyên liệu và linh kiện sản xuất tại Việt Nam ít nhiều bị gián đoạn. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc thông quan hàng hóa tương đối nghiêm trọng và giá thành vận tải tăng cao khiến doanh nghiệp đối mặt với áp lực lớn, mặc dù họ đã chủ động đa dạng hóa các kênh vận chuyển.

Ngoài ra, việc Mỹ và phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hà khắc đối với Nga cũng gây ra tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam. 

Cùng chung nhận định trên, chuyên trang Vietnam Briefing của Tập đoàn Dezan Shira & Associates có trụ sở tại Hồng Công còn đề cập tới tình trạng thiếu lao động ở nhiều khu công nghiệp tại một số thời điểm. Riêng trong quý I-2022, hơn 441.000 công nhân được bổ sung vào lực lượng lao động của Việt Nam nhưng số lượng đó vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà máy.

Nhiều công ty đã báo cáo rằng, trong khi đơn đặt hàng tăng lên, việc tuyển dụng nhân sự là một thách thức cản trở hoạt động sản xuất của họ. Tuy nhiên, Vietnam Briefing khẳng định doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng môi trường đầu tư của Việt Nam, được thể hiện qua việc chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong quý trước của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tăng lên 73, mức cao nhất kể từ sau đợt bùng phát đại dịch lần thứ tư.

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục