Nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam
Cập nhật ngày: 17/08/2018 09:00 (GMT +7)

Hội Nạn nhân chất độc hóa học da cam/dioxin tỉnh được thành lập năm 2007, đến nay vừa tròn 10 năm. Bằng sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong tổ chức, vận động phát triển hội viên, nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam, những năm qua hoạt động của Hội thu được nhiều kết quả đáng kể. Qua đó, góp phần cùng các cấp, ngành, toàn xã hội xoa dịu “nỗi đau da cam”, hỗ trợ hiệu quả cho các đối tượng bị phơi nhiễm chất độc hóa học vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.


Ông Hà Hữu Kiện, xóm Pác Măn, thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình) do mất hết giấy tờ gốc nên không được hưởng chế độ đang trao đổi với phóng viên Báo Cao Bằng. Ảnh: Mạnh Hùng

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương thành lập tổ chức Hội tập hợp, đoàn kết, động viên nạn nhân, hội viên chất độc da cam khắc phục khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, chính sách liên quan đến nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam. Tích cực tham gia các hoạt động mở rộng hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân của cấp trên vì lợi ích và công lý của nạn nhân chất độc da cam; vận dụng, huy động mọi nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân chăm lo đời sống của nạn nhân chất độc da cam. Thường trực hội các cấp đã giới thiệu những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, biểu dương những việc làm tình nghĩa của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm có nhiều đóng góp, ủng hộ nạn nhân. Toàn tỉnh kết nạp được trên 1.200 hội viên, sinh hoạt tại 5 huyện, Thành phố và 25 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó 830 nạn nhân được hưởng chính sách (trong đó 471 người trực tiếp, gián tiếp 359 người). 

Những năm qua, Tỉnh hội luôn chú trọng xây dựng chương trình chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; chỉ đạo các cấp hội nắm chắc tình hình đối tượng, khảo sát cụ thể các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ trực tiếp hoặc tổng hợp danh sách trình xin hỗ trợ từ các nguồn quỹ của Trung ương Hội, Quỹ “Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam” tỉnh, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh và các đơn vị ngoài tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, toàn Hội đã huy động trên 3,4 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho 60 nạn nhân với tổng kinh phí hơn 1 tỷ 770 triệu đồng. Thăm, tặng 3.606 suất quà, trị giá trên 1 tỷ 175 triệu đồng cho các nạn nhân ở 13 huyện, Thành phố nhân dịp lễ, Tết, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8) hằng năm. Trợ cấp khó khăn, trao sổ tiết kiệm cho 183 trường hợp với tổng kinh phí 287 triệu đồng. Tổ chức 2 lớp dạy nghề, kinh phí 186 triệu đồng; khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 350 hội viên, nạn nhân... Ngoài ra, Hội còn cấp 8 xe lăn; phối hợp với Hội Cựu chiến binh đưa 48 nạn nhân đi điều dưỡng, 3 con nạn nhân đi nuôi dưỡng, chữa bệnh, học nghề tại Làng Hữu nghị Việt Nam (Hoài Đức, Hà Nội); xây dựng dự án kêu gọi các nguồn tài trợ nuôi dưỡng tại gia cho 20 cháu là con nạn nhân không còn khả năng lao động; chọn 3 cháu nạn nhân đề nghị Trung ương hội hỗ trợ học bổng theo Dự án “Hạt giống hy vọng”... 

Tuy vậy, trong triển khai thực hiện phong trào, hoạt động, các cấp Hội gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong thành lập hội ở cơ sở cũng như kết nạp, chăm sóc, giúp đỡ hội viên và thực hiện các chế độ, chính sách, nhất là tổ chức hội cấp huyện, xã thành lập sau năm 2009. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc hóa học da cam/dioxin tỉnh Lê Thị Cương cho biết: Cao Bằng có trên 4.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu ở vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học, hiện còn rất nhiều đối tượng chưa được hưởng chế độ, trong đó có cả số người trước đây đã được hưởng nay bị cắt chế độ. Nhiều lý do các đối tượng không được hưởng, như: không có hoặc thất lạc giấy tờ gốc chứng minh đơn vị, nơi tham gia hoạt động kháng chiến; không có hồ sơ, bệnh án điều trị hoặc mắc các loại bệnh được quy định tại danh mục bệnh của Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLB BYT-BLĐTB&XH của Bộ Y tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ... Mặt khác, không ít đối tượng nạn nhân chất độc da cam do mặc cảm, tự ti nên không kê khai bệnh tật, không muốn trở thành hội viên... Sở dĩ vấn đề này tồn tại bấy lâu nay một phần là do ở cơ sở không thành lập được tổ chức Hội; tổ chức Hội hiện nay không được cấp kinh phí hoạt động, cán bộ hội không có thù lao...

Trên phạm vi cả nước hiện đã có nhiều tỉnh, thành phố có đầy đủ tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở; được tỉnh quan tâm đầu tư, thành lập cơ sở nhận chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là trẻ em mắc các bệnh, khuyết tật, dị dạng bẩm sinh thế hệ thứ 2, 3... do chất độc da cam gây nên. Hội Nạn nhân chất độc hóa hóa da cam/dioxin tỉnh đã có ý kiến đề xuất, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trung ương Hội về hướng giải quyết chế độ đối với trường hợp mất hết giấy tờ liên quan đến hồ sơ xét hưởng chế độ và đề nghị bổ sung danh mục bệnh tật đối với một số trường hợp... Quý III/2017, tỉnh Hội sẽ tổ chức Đại hội lần thứ 3 (nhiệm kỳ 2017 - 2022) và kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.

Theo BaoCaoBang
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục