Hiện nay, tình trạng lộ lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân (DLCN) diễn ra khá phổ biến, không những ảnh hưởng đến từng cá nhân mà còn gây mất trật tự an toàn xã hội, mất an toàn thông tin. Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, cần sớm ban hành nghị định quy định về bảo vệ DLCN.

Khổ vì lộ lọt dữ liệu cá nhân

Dù chưa từng vay nợ cá nhân hay tổ chức nào nhưng bỗng nhiên chị Hoàng Thùy Linh ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội liên tục bị các số điện thoại lạ gọi điện yêu cầu phải trả nợ gần 10 triệu đồng. Chị Linh bức xúc chia sẻ: “Các đối tượng xấu lấy thông tin, hình ảnh cá nhân của tôi, sau đó cắt ghép ảnh với nội dung nợ tiền và liên tục gửi cho bạn bè của tôi qua mạng xã hội. Tôi vừa sợ hãi vừa xấu hổ, không biết phải giải thích như thế nào cho mọi người hiểu. Sự việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín và các mối quan hệ công việc của tôi". Còn chị Đặng Thanh Phương, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội thì nhận được nhiều cuộc điện thoại chào mời tham gia các khóa học. Chị Phương cho biết: “Con trai tôi có tham gia một cuộc thi Toán online. Sau khi cháu được giải, tôi liên tục nhận được các cuộc điện thoại của các trung tâm phát triển tư duy, phát triển tài năng mời chào cho cháu tham gia các khóa học. Từ chối hôm nay, ngày mai họ lại tiếp tục điện thoại. Hết trung tâm này đến trung tâm khác khiến tôi cảm thấy rất phiền”.


Do lộ lọt dữ liệu cá nhân, chị Đặng Thanh Phương (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại chào mời cho con dự các khóa học. 

Các sự việc nêu trên phần nào cho thấy tình trạng lộ lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán DLCN trái phép đang diễn ra phổ biến. Ngày càng có nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý DLCN cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật. Trước thực trạng này, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo nghị định quy định về việc bảo vệ DLCN để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Dự thảo đưa ra khái niệm “DLCN cơ bản” gồm: Tên, tuổi, ngày sinh, nơi cư trú, quốc tịch, dân tộc, số điện thoại, tình trạng hôn nhân, các mã số cá nhân... và “DLCN nhạy cảm” gồm: Quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, tình trạng tài chính, hành vi phạm tội... Trên cơ sở đó, dự thảo đưa ra các quy định về DLCN, xử lý DLCN, biện pháp bảo vệ DLCN, xử lý vi phạm về DLCN, trách nhiệm bảo vệ DLCN của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan... Đáng lưu ý, dự thảo quy định, nếu tiết lộ thông tin số điện thoại, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), tình trạng hôn nhân, sức khỏe... của người khác trái phép thì sẽ bị phạt đến 80.000.000 đồng; phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp kỹ thuật và xây dựng quy định về bảo vệ DLCN, vi phạm quy định về đăng ký xử lý "DLCN nhạy cảm", vi phạm quy định về chuyển DLCN qua biên giới. Trong trường hợp vi phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng có thể phạt tối đa 5% tổng doanh thu của bên xử lý DLCN.

Công cụ hữu hiệu xử lý vi phạm

Luật sư Trần Quang Khải, Trưởng văn phòng Luật sư Quang Khải và cộng sự cho rằng, tại Điều 159 và Điều 288 của Bộ luật Hình sự có những quy định liên quan tới xử lý vi phạm khi kinh doanh thông tin cá nhân của người khác, hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù. Tuy nhiên, việc thực thi điều luật này còn nhiều vướng mắc bởi các quy định này chưa cụ thể, chưa rõ ràng như việc truy nguồn gốc ai là người vi phạm, dữ liệu lấy từ đâu, bị hại là ai...? Nghị định về bảo vệ DLCN được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu để xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đối với mức phạt tối đa 5% tổng doanh thu của bên xử lý DLCN tại Việt Nam khi vi phạm theo quy định tại Khoản 3, Điều 22 dự thảo, luật sư Trần Quang Khải cho rằng vẫn còn thấp và chưa đủ sức răn đe, trong khi các hành vi vi phạm tại khoản này thuộc trường hợp cố ý tái phạm; hình thức phạt bổ sung quy định tại Khoản 4, Điều 22 của dự thảo như đình chỉ xử lý DLCN trong thời gian 1-3 tháng còn ngắn... Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: “Tôi cho rằng sau khi nghị định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc để lực lượng chức năng tham gia các hoạt động bảo vệ DLCN. Dự thảo nghị định đã quy định chi tiết, cụ thể các biện pháp bảo vệ DLCN, biện pháp kỹ thuật, thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ chế để bảo vệ DLCN. Tôi cho rằng, DLCN phải được bảo vệ từ khâu tạo ra dữ liệu đến việc chuyển giao, lưu trữ, quản lý sử dụng”. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hoàng Mạnh Hưng, Phòng Data DLCN, Công ty Vega Corporation hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin góp ý: “Việc vi phạm quy định về xử lý DLCN về bản chất bao gồm cả bên xử lý DLCN và bên tiếp nhận DLCN. Do vậy, nghị định cần có quy định xử phạt cả hai bên khi vi phạm mới hợp lý. Bên cạnh việc xử phạt các chủ thể vi phạm, cũng nên có quy định về trách nhiệm của cơ quan chức năng nếu chậm trễ, không xử lý ngay khi tiếp nhận thông tin phản ảnh về tình trạng vi phạm DLCN của người dân”.

Hiện nay, bản dự thảo nghị định về bảo vệ DLCN đang trong thời gian lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện. Đông đảo người dân kỳ vọng, nghị định này khi được ban hành sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn tình trạng DLCN bị đánh cắp và mua bán phức tạp như hiện nay.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục