Sáng 1-7, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”. Hội nghị có sự tham dự của gần 800 đại biểu, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.


Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo và y tế của vùng Trung du miền núi phía Bắc, được quy hoạch trong vùng Thủ đô Hà Nội, với vị trí địa lý, kinh tế, chính trị quan trọng, cùng hệ thống giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, Thái Nguyên đang là tỉnh có vai trò gắn kết vùng Trung du miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng Bắc bộ.


Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc hội nghị.

Nổi tiếng với vùng chè đặc sản đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam, Thái Nguyên có diện tích trồng chè và sản lượng chè xanh lớn nhất Việt Nam, Thái Nguyên là địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp luyện kim, công nghiệp khai khoáng với nguồn tài nguyên phong phú,trữ lượng Florit đứng đầu thế giới, vonfram đứng thứ 2 thế giới, than đứng thứ 2 cả nước, ngoài ra còn có sắt, thiếc, chì, kẽm, vàng, đồng, titan… và các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đều có trữ lượng cao.

Thái Nguyên còn là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, với nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn trên nhiều lĩnh vực. Từng là “Thủ đô kháng chiến” của Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên có nhiều điểm di tích lịch sử, nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng cả ở trong nước và quốc tế như An toàn khu - Định Hóa, hồ Núi Cốc, khu di tích Vua Lý Nam Đế... Đây chính là những điều kiện quan trọng, tiềm năng, lợi thế để tỉnh Thái Nguyên phát triển công nghiệp, vừa đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, dịch vụ và đô thị, vừa phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ môi trường.

Thực hiện quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy doanh nghiệp và nhân dân là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn bình quân 20 năm (1997-2017) đạt 11%/năm, riêng giai đoạn 5 năm (2012-2017) tăng trưởng bình quân đạt 16,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 571 nghìn tỷ đồng, gấp 22,6 lần so năm 2010; bình quân trong 5 năm gần đây (giai đoạn 2012-2017), giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 82,5%/năm. Giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 23,56 tỷ USD (chiếm 11% giá trị xuất khẩu chung của cả nước), gấp 212 lần so với năm 2010, gấp 934 lần năm 1997. Thu ngân sách tăng nhanh, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.318 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 79.576 tỷ đồng; 130 dự án FDI, với vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD. Nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa cao đã được khởi công thực hiện, bước đầu có kết quả khá khả thi, được cán bộ và nhân dân đồng thuận, phấn khởi, như: Dự án Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc; Dự án Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Dự án Nâng cấp, sửa chữa Trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao tỉnh Thái Nguyên; Dự án An Lạc Viên; Dự án Khu nhà ở kết hợp dịch vụ, thương mại tại thành phố Thái Nguyên; Dự án xây dựng Trung tâm hành chính mới huyện Đồng Hỷ...

Với phương châm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tỉnh Thái Nguyên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các tập đoàn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng.


Các đại biểu dự hội nghị.

Tham gia phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn Masan đều khẳng định tiềm năng, lợi thế của Thái Nguyên, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, đồng hành rất lớn của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của người dân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào Thái Nguyên.


Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

 


Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu.

 


Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả nổi bật của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây, đặc biệt là kết quả trong nửa đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao việc Thái Nguyên đang đi đầu trong hình thành cụm công nghiệp điện tử vươn ra thị trường toàn cầu; môi trường đầu tư của tỉnh có nhiều tiến bộ, thuộc top đầu của cả nước và tỉnh đang phấn đấu chậm nhất đến 2019, trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với nhiều tiềm năng, lợi thế trên các lĩnh vực, Thái Nguyên phải trở thành một cực tăng trưởng của miền Bắc và có thể của cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tất cả tiềm năng, dự báo sẽ mãi chỉ là giấc mơ nếu tỉnh không có tầm nhìn đúng và giải pháp, biện pháp hiệu quả. Từ đó, Thủ tướng cho rằng tỉnh Thái Nguyên nên xác định được tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng trong phát triển và cân nhắc 4 định hướng lớn.

Thứ nhất, Thái Nguyên phải trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ và sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và của đất nước trong mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh.

Thứ hai, là tận dụng phát huy vai trò động lực, vai trò đầu tàu của Samsung, tạo ra lan tỏa tích cực thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào những ngành công nghệ cao, xây dựng liên kết bền vững và nâng cao năng lực tham gia vào quản trị đối với doanh nghiệp trong nước.

Thứ ba, là đa dạng hóa nền kinh tế với 3 trụ cột, đó là phát triển công nghiệp công nghệ cao, với nòng cốt là công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ có liên quan, đi liền với đó là du lịch, dịch vụ, trong đó phát triển giáo dục đào tạo, dịch vụ y tế, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng tại địa phương và trụ cột thứ 3 là triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.

Thứ tư, song song với phát triển kinh tế, Thái Nguyên cần mẫu mực trong bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, xây dựng chính quyền thân thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông thông suốt, tiện lợi, môi trường sống trong lành, an toàn, trở thành nơi đủ hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút người có trình độ, tay nghề cao đến làm việc và sinh sống.

 


Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên phát biểu đáp từ.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 50 dự án, với tổng mức đầu tư 46.785 tỷ đồng. 4 ngân hàng TMCP cũng đã trao cho tỉnh 12 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn.


Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trao quyết định chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Thái Nguyên.

Tin và ảnh: MẠNH NGUYÊN

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục