Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) có nhiều quy định mới nhằm bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả trước thiên tai, thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những nội dung cơ bản của dự thảo Luật PTDS, như quy định về cấp độ PTDS, cơ quan chỉ đạo, điều hành PTDS, các biện pháp PTDS... đang được đông đảo người dân quan tâm.

Quy định cấp độ phòng thủ dân sự và các biện pháp ứng phó

Tại Điều 6, dự thảo Luật PTDS quy định rõ cấp độ PTDS, đó là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của từng cấp chính quyền trong phạm vi quản lý nhằm ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả sự cố, thảm họa; làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là vấn đề mới mà các luật hiện hành chưa quy định; là cơ sở để phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền từ cấp cơ sở đến Trung ương, nhằm phát huy phương châm “bốn tại chỗ” của địa phương; nâng cao tính chủ động của chính quyền các cấp trong việc nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát các nguy cơ, kịp thời phòng ngừa, ứng phó, khắc phục có hiệu quả với sự cố, thảm họa xảy ra trên phạm vi, địa bàn quản lý. 


Bộ đội Hóa học thực hành trinh sát chất độc trong khu nhiễm tại diễn tập phòng thủ dân sự năm 2020 với đề mục "Ứng phó sự cố môi trường quy mô liên tỉnh". Ảnh: MINH HƯNG 

Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, nhất là đối với dịch Covid-19 cho thấy, nhiều biện pháp đã được quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp và hiệu quả. Có biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, như: Giãn cách xã hội, buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn; lực lượng phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; nguồn lực, chính sách an sinh xã hội; khôi phục kinh tế... Vì vậy, rất cần có sự phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền các cấp để kịp thời áp dụng những biện pháp phù hợp.

Căn cứ để xác định cấp độ PTDS được đưa ra tại khoản 3 Điều 6. Để xác định cấp độ PTDS, các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý phải căn cứ vào 4 tiêu chí sau làm cơ sở quyết định các biện pháp ứng phó, khắc phục với các loại hình sự cố, thảm họa, bảo đảm kịp thời, hiệu quả: (1) Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa; (2) Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng bởi sự cố, thảm họa; (3) Diễn biến, mức độ gây thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; (4) Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng PTDS.

Dự thảo Luật PTDS cũng quy định cụ thể từng cấp chính quyền được áp dụng biện pháp tương ứng ở mỗi cấp độ nhằm ứng phó kịp thời các tình huống PTDS. 

Ở cấp độ 1, dự thảo luật quy định chính quyền cấp huyện được áp dụng các biện pháp để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi quản lý, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền cấp xã. Cụ thể, có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp sau: Sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác cho người trong khu vực xảy ra sự cố, thảm họa; cấm hoặc hạn chế người, phương tiện vào những khu vực nguy hiểm; phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực xảy ra sự cố, thảm họa; tiêu tẩy, khử độc, khử khuẩn, vệ sinh môi trường; bảo vệ công trình PTDS đang bị sự cố.

Ở cấp độ 2, chính quyền cấp tỉnh được áp dụng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền cấp huyện. Lúc đó sẽ áp dụng một số biện pháp được quy định tại Điều 23 dự thảo Luật: Thực hiện cách ly, giãn cách xã hội phù hợp với mức độ của sự cố, thảm họa trên địa bàn; chuyển đổi hình thức hoặc tạm dừng hoạt động của trường học, hoạt động tập trung đông người tại nơi công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; hạn chế hoặc tạm dừng tổ chức lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, hoạt động văn hóa nghệ thuật, sự kiện có tập trung đông người; kiểm tra, kiểm soát hoạt động giao thông tại khu vực xảy ra sự cố, thảm họa; áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật.

PTDS cấp độ 3 là cấp độ cao nhất. Theo dự thảo luật, Thủ tướng Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp để ứng phó với tình huống PTDS trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền cấp tỉnh. Các biện pháp cụ thể được quy định tại Điều 23 và 24: Cách ly tập trung, giãn cách xã hội phù hợp với mức độ của sự cố, thảm họa trên địa bàn; tạm dừng một số hoặc tất cả hoạt động của trường học, hoạt động tập trung đông người tại nơi công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu; tạm dừng tổ chức lễ hội, nghi lễ tôn giáo, sự kiện có tập trung đông người; hạn chế hoặc tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh nếu thấy cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

Thành lập cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự và quỹ phòng thủ dân sự

Việc thành lập cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS được dự thảo luật quy định rõ tại Điều 35. Thực tế hiện nay, trong lĩnh vực liên quan đến PTDS ở Trung ương có 3 tổ chức, gồm: Ban chỉ đạo PTDS quốc gia; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ban chỉ đạo PTDS quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác PTDS trên phạm vi cả nước. PTDS là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Theo nội dung Quyết định số 55/QĐ-BCĐPTDS ngày 25-5-2022 của Trưởng ban chỉ đạo PTDS quốc gia (Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính), thì Ban chỉ đạo PTDS quốc gia có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ để bảo đảm phòng, chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trở lại bình thường. Do đó, việc hợp nhất 3 tổ chức: Ban chỉ đạo PTDS quốc gia; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là cần thiết, bảo đảm tinh giản bộ máy chỉ đạo, chỉ huy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tại Điều 35 của dự thảo luật đã quy định rõ về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo PTDS quốc gia.

Đối với việc thành lập quỹ PTDS được quy định tại Điều 41 của dự thảo luật: Quỹ PTDS là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động PTDS, sử dụng để hỗ trợ hoạt động PTDS và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa; hỗ trợ tu sửa nhà ở, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học...

Quy định như vậy là phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa. Bởi hoạt động PTDS có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia, trong thời gian cấp bách nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, như: Hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, môi trường... Hiện nay, có nhiều loại hình sự cố, thảm họa, nếu xảy ra mà không có nguồn tài chính được chuẩn bị sẵn thì sẽ khó thực hiện việc ứng phó, khắc phục hậu quả ngay nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sự cố, thảm họa.

Khi thành lập và có sẵn nguồn quỹ PTDS, thì dù sự cố, thảm họa bất ngờ xảy ra vẫn có ngay nguồn tài chính để thực hiện việc ứng phó, khắc phục, thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp để giảm thiểu thiệt hại. Ví dụ, khi đại dịch Covid-19 bùng phát sẽ không phải thành lập quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 mà vẫn có nguồn lực bảo đảm kịp thời cho việc này; nếu xảy ra động đất nghiêm trọng như tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua cũng có ngay quỹ PTDS để ứng phó, khắc phục hậu quả và hỗ trợ nhân đạo...

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục