Một số điểm nổi bật của Luật Biên phòng Việt Nam 2020
Cập nhật ngày: 29/11/2020 21:11 (GMT +7)

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, với 94,61% ĐBQH biểu quyết tán thành, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.


Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng gồm 6 chương, 36 điều. Nội dung Luật Biên phòng Việt Nam tập trung quy định những vấn đề chủ yếu sau:

Quy định về phạm vi điều chỉnh

Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Cụ thể, Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, trong khi đó Luật Biên phòng Việt Nam là một lĩnh vực trong quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia, quy định nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới.

Bởi hoạt động biên phòng có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều chủ thể khác nhau và được cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Công an nhân dân... nên điều khoản về phạm vi điều chỉnh của Luật Biên phòng Việt Nam đã được hoàn thiện sau khi rà soát, đánh giá tổng thể các quy định, tránh sự chồng chéo giữa các điều khoản nhằm đáp ứng sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Luật cũng đưa ra định nghĩa về “Biên phòng”, theo đó, “Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”. Khái niệm này là vấn đề cơ bản quyết định đến kết cấu, nội dung, bố cục của luật.

Chính sách của Nhà nước về biên phòng

Chính sách của Nhà nước về biên phòng hướng đến mục tiêu thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể.

Theo đó, Điều 3 Luật Biên phòng Việt Nam đã đưa ra 7 chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó cần lưu ý đến Khoản 5 với sự bổ sung chính sách đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới. Ngoài ra, Luật cũng bổ sung Khoản 7 về “Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế” cho phù hợp với chính sách của Nhà nước về quốc phòng quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Quốc phòng.

Nhiệm vụ biên phòng và các vấn đề thực thi nhiệm vụ biên phòng

Về nhiệm vụ biên phòng và nguyên tắc thực thi: Hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều chủ thể thuộc nhiều bộ, ngành Trung ương như chính quyền địa phương, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảng vụ, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Kiểm ngư, Quản lý thị trường… tham gia vào xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới. Bởi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này đang được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành nên Luật Biên phòng Việt Nam chỉ quy định các nhiệm vụ chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng mà không quy định cụ thể cho từng lực lượng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân này có nghĩa vụ thực thi nhiệm vụ biên phòng dựa trên những nguyên tắc sau:

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước.
- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
- Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại ở khu vực biên giới.
Về lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng: Điều 6 Luật Biên phòng Việt Nam quy định ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị LLVT đứng chân, hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu còn có các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng này. Nhiệm vụ biên phòng là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội, do đó điều khoản về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được xây dựng theo hướng quy định chung nhằm tạo cơ sở để quy định một số chế độ, chính sách cho từng lực lượng.
Luật Biên phòng Việt Nam cũng quy định về phạm vi, nguyên tắc và nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định của Luật này chỉ mang tính nguyên tắc, còn việc xác định vai trò chủ trì căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của pháp luật; các nguyên tắc và nội dung phối hợp được áp dụng chung cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định như vậy để các chủ thể chủ động, linh hoạt trong việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Về việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng: Điều 7 Luật này đưa ra các quy định về trách nhiệm, chế độ và chính sách của cơ quan, tổ chức và công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong đó cần lưu ý đến quy định về trách nhiệm của công dân về biên phòng, cụ thể: “Công dân ở khu vực biên giới có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Khoản này được xây dựng trong Luật BPVN nhằm thể chế quan điểm “Nhân dân khu vực biên giới là chủ thể bảo vệ biên giới quốc gia” tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị và quy định rõ trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ biên phòng, làm căn cứ để quy định chế độ, chính sách cho phù hợp.

(Còn nữa)
CHU VI (t/h)

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục