Từ ngày 30-11 đến ngày 8-12, Tòa án Quân sự Quân khu đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Diêm Đăng Thanh và các đồng phạm về tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự.


Hội đồng xét xử tuyên án.

Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2017, để thực hiện chủ trương nâng cấp bệnh viện đáp ứng tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0 của Bộ Y tế, trong đó có nội dung phải đào tạo chuyển đổi cho y sĩ thành điều dưỡng. Diêm Đăng Thanh khi đó là Giám đốc Bệnh viện quân y 110 đã chỉ đạo Phạm Công Khanh – Phó Ban KHTH Bệnh viện quân y 110 liên hệ, trao đổi với Nguyễn Quốc Khải, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển Giáo dục và Y tế Việt Nam để tìm cơ sở đào tạo cho nhân viên của Bệnh viện. Thông qua Nguyễn Quốc Khải, Diêm Đăng Thanh đã ký hợp đồng liên kết với Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng Y - Dược ASEAN để thực hiện nội dung này.

Các đối tượng trên cùng với Trần Thị Hoa đã thu gom được 194 học viên, trong đó có 125 nhân viên của Bệnh viện quân y 110 để mở lớp liên thông cao đẳng điều dưỡng tại trường Cao đẳng Y - Dược ASEAN. Tuy nhiên, các lớp này thực chất không được học tập, đào tạo theo quy định mà chỉ hợp thức hồ sơ và cấp bằng. Các học viên tự viết bài, tự viết thu hoạch sau đó chuyển cho Nguyễn Quốc Khải cùng vợ là Lê Mai Anh hợp thức hóa rồi gửi về trường ASEAN. Tại đây, dưới sự chỉ đạo của Trần Kim Phương, các bị cáo Ngô Mạnh Trí, Nguyễn Vân Khánh Hà, Dương Thanh Phương, Nguyễn Thu Hường, Nguyễn Ánh Tuyết, Lương Thị Cúc, Nguyễn Thị Tú Anh, Nguyễn Văn Hải là thành viên Ban giám hiệu và các phòng, ban chuyên môn của trường ASEAN đã tổ chức hợp thức việc xét điều kiện thi, xét tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đối với 194 học viên này.


Quang cảnh phiên xét xử.


Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án.

Ngoài ra theo quy định, những người có bằng trung cấp y phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngành điều dưỡng thì mới đủ điều kiện học lớp liên thông cao đẳng điều dưỡng. Do vậy, Nguyễn Quốc Khải đã cùng với Lương Thế Vũ, Phạm Ngọc Quý làm giả chứng chỉ điều dưỡng của trường Trung cấp Y dược Hà Nam cho 113 người, trong đó có 77 nhân viên của Bệnh viện 110 theo yêu cầu của Diêm Đăng Thanh; vụ án gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 1,3 tỷ đồng, là số tiền 53 người đã sử dụng bằng giả nói trên để được nâng lương, chuyển nhóm lương không đúng pháp luật.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử căn cứ vào nhân thân, đánh giá nguyên nhân, tính chất mức độ hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuyên phạt các bị cáo: Diêm Đăng Thanh 8 năm tù, Phạm Công Khanh 7 năm tù; 1 bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự; các bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm tù đến 7 năm 6 tháng tù.

Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do các bị cáo thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đúng đắn của nhà Trường và đơn vị Quân đội, gây bất bình trong quần chúng nhân dân và làm xói mòn niềm tin của một bộ phận nhân dân với công tác đào tạo ngành y, ngành nghề cần đào tạo chặt chẽ, cẩn thận vì liên quan đến tính mạng con người. Do vậy, cần thiết phải áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo trong vụ án trên.

Tin, ảnh: Vũ Hải         

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục