Xe đi lên vỉa hè, đường càng thêm tắc
Cập nhật ngày: 23/05/2020 20:49 (GMT +7)

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội thường xuyên gặp tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm. Một trong những nguyên nhân là do ý thức người tham gia giao thông chưa cao, chen lấn, cố tình đi lên vỉa hè. Điều này càng khiến ùn tắc thêm kéo dài.


Người dân điều khiển phương tiện đi lên vỉa hè trên đường Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội).

Theo quan sát của chúng tôi, trên các tuyến đường có vỉa hè rộng tại Hà Nội như: Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy..., gần như không thể phân biệt được vỉa hè và lòng đường khi lưu lượng phương tiện tăng cao. Xe cộ chen lấn, đua nhau đi lên vỉa hè dù đây là nơi dành riêng cho người đi bộ. Lúc đó, người đi bộ bị đẩy vào cảnh "yếu thế", có người phải đi xuống lòng đường. Còn xe máy, xe đạp dù tràn lên vỉa hè nhưng gặp chướng ngại vật không thể di chuyển được, càng làm dòng phương tiện lộn xộn hơn. Những chiếc xe phải nhích dần từng chút giữa tiết trời nóng bức. Anh Hoàng Hữu Tuấn (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) phân trần: “Đường tắc quá, vì muốn đi nhanh hơn một chút nên tôi thường phải đi lên vỉa hè. Biết là vi phạm quy định về an toàn giao thông, đi lấn vào phần đường dành cho người đi bộ, nhưng nếu cứ chôn chân dưới lòng đường thì không biết bao giờ mới về đến nhà".

Do việc thiếu ý thức của người tham gia giao thông, nguy cơ người đi bộ gặp thương tích vì va chạm với phương tiện luôn hiện hữu. Chị Hoàng Phương Nhung (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Dù đi bộ nép sát vào phía trong vỉa hè nhưng tôi luôn phải nhìn trước, ngó sau, chủ động tránh phương tiện. Có những người điều khiển xe vô ý thức đến nỗi bấm còi inh ỏi, thậm chí buông lời lẽ thô tục, trong khi họ đang lấn chiếm đường của người đi bộ".

Rõ ràng, đi xe lên vỉa hè không phải là giải pháp để nhanh chóng thoát khỏi "điểm đen" ùn tắc. Chưa kể, hành vi vi phạm pháp luật này còn phải chịu mức phạt nghiêm khắc hơn theo quy định mới. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã nâng mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe đi trên hè phố lên mức 3-5 triệu đồng đối với ô tô (trước đây phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) và từ 400.000-600.000 đồng đối với xe máy (trước đây phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng).

Tại nhiều thành phố lớn, trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ gia tăng số lượng phương tiện, ý thức người tham gia giao thông có vai trò quyết định đến việc tổ chức giao thông hiệu quả. PGS, TS Nguyễn Sỹ Trung (giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải) cho rằng, nếu ai cũng chen lấn, đi lại tùy tiện thì dù đường có được mở rộng thêm cũng khó tránh khỏi ùn tắc. Tham gia giao thông đúng trật tự, tuân thủ quy tắc, mỗi người tự biết nhường nhau một chút mới tránh được các dòng phương tiện xung đột. Đây cũng là giải pháp căn cơ để hướng tới khắc phục triệt để ùn tắc giao thông. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần duy trì xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe, tránh hiện tượng “nhờn” luật.

QDND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục