Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển”: Công tác dân vận ở Sư đoàn 3: Kỳ 2: Cán bộ nêu gương, vì dân
Cập nhật ngày: 20/08/2020 14:05 (GMT +7)

Để công tác dân vận ngày càng hiệu quả, đi vào lòng dân, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 3 đã triển khai nhiều giải pháp. Ngoài chú trọng xây dựng các công trình mang tính bền vững, thiết thực còn nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp.


Giáo viên Trường Mầm non xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phục vụ nước uống cho bộ đội Sư đoàn 3 làm dân vận tại nhà trường.

Theo Đại tá Dương Văn Quang, Phó chính ủy Sư đoàn 3, kinh nghiệm rút ra sau nhiều năm thực hiện công tác dân vận là cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quán triệt sâu sắc nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; Nghị quyết số 152-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); Nghị quyết số 403-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong tình hình mới”; bộ đội được quán triệt sâu sắc tư tưởng “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào thi đua quyết thắng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”…Cơ quan chính trị Sư đoàn đã làm tốt vai trò hướng dẫn, kiểm tra nhất là tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua. Đặc biệt công tác dân vận nói riêng luôn được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, có kế hoạch cụ thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu vì việc chung. 
Thực tế, khi cùng bộ đội về làng giúp dân, chúng tôi nhận thấy rõ sự sâu sát, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cán- binh luôn đoàn kết, đồng lòng. Tuyệt đại đa số đều nhận thức được công tác dân vận không chỉ là chức năng, nhiệm vụ của quân đội mà còn là trách nhiệm, tình cảm, sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Sau khi được địa phương tổ chức đón tiếp, các cán bộ phụ trách đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương bảo đảm nơi ăn, chốn ở cho chiến sĩ. Trước và trong thời gian làm dân vận, bộ đội được tuyên truyền, quán triệt nghiêm kỷ luật dân vận, kỷ luật quân đội. Vì thế, dù dã ngoại nhưng đơn vị luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối, kỷ luật, chính quy. Để bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, cán bộ phụ trách luôn chú ý đến điều kiện thời tiết, quan tâm thực đơn hằng ngày; đặc biệt còn ứng dụng các sáng kiến, cải tiến mô hình huấn luyện hậu cần vào công tác dã ngoại như “Giá chia cơm”, “Tủ lưu nghiệm thức ăn”…

Theo chân Đại tá La Công Phương, Chính ủy Sư đoàn 3 đi kiểm tra một số địa điểm, chúng tôi càng thấy rõ vai trò nêu gương ấy. Đến các xã, đồng chí hỏi han tình hình sức khỏe, cảm nhận của bộ đội khi lần đầu hành quân dã ngoại làm dân vận rồi trao đổi với lãnh đạo địa phương về công tác tổ chức, phối hợp quản lý bộ đội. Ở đầu mối nào cũng có cán bộ từ cấp Đại đội đến Trung đoàn bám nắm. Được biết, cùng bộ đội về xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) từ ngày đầu, Trung tá Hoàng Quốc Đại, Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 2 vừa quan tâm đến chất lượng, tiến độ công việc vừa bảo đảm các biện pháp chống nắng, chống nóng cho anh em. Nhiều phần việc, cán bộ chỉ huy xắn tay áo cùng làm với chiến sĩ nên chất lượng, tiến độ được bảo đảm.

Hơn hết, khi bộ đội thực hiện những nhiệm vụ vất vả, nguy hiểm, cán bộ, đảng viên lại phải nêu gương, trách nhiệm cao hơn; càng trong khó khăn thì phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” càng thêm tỏa sáng. Chuyện bộ đội Sư đoàn 3 hạ đèo Lũng Luông để mở đường giúp người dân bản Lũng Luông, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) thông thương thuận lợi năm 2015 là một điển hình. Thời điểm ấy, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 đã rất vất vả nhưng chẳng một ai kêu than, nản chí. Trực tiếp “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bộ đội và người dân địa phương trong gần 1 năm thi công, Trung tá Lê Văn Lưỡng, Trưởng ban Dân vận Sư đoàn 3 kể lại: “Để hạ đèo, chúng tôi phải sử dụng sức người là chính, chiều cao hạ đèo trung bình khoảng 4m, đoạn hạ sâu nhất lên tới 12m, phải vận chuyển hơn 27.000m3 đất đá, ngày nắng thì oi bức, ngày mưa thì trơn trượt. Biết công việc nguy hiểm, cường độ cao, cán bộ, đảng viên trong tổ phụ trách đã thay phiên nhau bám nắm công trình, thường xuyên động viên, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần, hướng dẫn bộ đội và trực tiếp làm những nội dung khó. Sau bao ngày dãi nắng, dầm mưa, con đường hơn 1km đã hoàn thành, chính quyền và người dân vui mừng, phấn khởi chính là nguồn động viên to lớn đối với chúng tôi”. 

Đại tá La Công Phương, Chính ủy Sư đoàn 3 nhấn mạnh, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn luôn xác định, công tác dân vận phải bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, biện pháp tiến hành; phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Vì thế, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của trên về công tác dân vận, trong đó trọng tâm là giúp chính quyền và nhân dân các xã vùng sâu vùng xa, phối hợp xây dựng nhiều công trình mang tính bền vững, lâu dài, gắn với nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Không những thế, Đại hội đại biểu Đảng bộ Sư đoàn 3 lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua đã đề ra ba khâu đột phá, một trong số đó là đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp ở mọi mặt công tác, trong đó có công tác dân vận. Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có kỹ năng dân vận, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; không ngừng “nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Đồng thời, chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
 

Bài và ảnh: MẠC YẾN (Báo Bắc Giang)
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục