Huyện Đại Từ (Thái Nguyên): Khắc phục khó khăn, đảm bảo chất lượng huấn luyện dân quân
Cập nhật ngày: 11/07/2018 15:35 (GMT +7)

Trong những năm gần đây, việc huy động lực lượng DQTV và DBĐV phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện của các địa phương gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng trong độ tuổi thường đi làm ăn xa. Để khắc phục khó khăn trên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, cùng với tổ chức chặt chẽ công tác huấn luyện.


Ban CHQS huyện Đại Từ kiểm tra khẩu đội SMPK 12,7mm huấn luyện chuyên ngành.

Chúng tôi đến xã Phú Xuyên (Đại Từ, Thái Nguyên) khi cán bộ, chiến sĩ dân quân đang tổ chức huấn luyện, đề mục “Trung đội dân quân đánh địch trong công sự”. Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, chiến dĩ dân quân cơ động Dương Thanh Tùng, xã Phú Xuyên cho biết, anh là một trong nhiều chiến sĩ dân quân của xã Phú Xuyên hiện đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty trong cả nước đã chủ động xin nghỉ việc để về tham gia đợt huấn luyện dân quân năm nay. Nghỉ dài ngày tại các doanh nghiệp là đồng nghĩa với việc không có lương, tuy nhiên, anh cũng như các chiến sĩ khác ý thức rất rõ ràng về trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nên năm nào cũng vậy, khi có lệnh gọi là chủ động sắp xếp công việc để về địa phương tham gia huấn luyện.


Tìm hiểu chúng tôi được biết, mặt bằng thu nhập hiện nay của một công nhân lao động trong các khu công nghiệp vào khoảng 5 đến 7 triệu đồng/tháng, tương ứng khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày. Trong khi mức hỗ trợ ngày công huấn luyện của mỗi chiến sĩ dân quân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay đạt 156 nghìn đồng/người/ngày. Mức hỗ trợ thấp hơn, nhưng quân số tham gia huấn luyện của huyện Đại Từ luôn bảo đảm 100%. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phạm Đình Bắc, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ cho biết, Ban CHQS xã đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã rà soát thanh niên trong độ tuổi và từng bước kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng dân quân xã; đồng thời sớm thông báo thời gian huấn luyện để cán bộ, chiến sĩ chủ động sắp xếp công việc. Cùng với đó, xã tổ chức huấn luyện theo phương pháp “cuốn chiếu” đối với từng đối tượng dân quân. Cũng vấn đề này, đồng chí Dương Văn Thơm, Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ cho biết thêm: Xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, chính trị, xã hội tại địa phương đối với công tác quốc phòng địa phương, nhất là công tác huấn luyện dân quân. Đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, rút kinh nghiệm sau mỗi mùa huấn luyện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vắng mặt không có lý do khi có lệnh triệu tập huấn luyện.


Với phương châm huấn luyện “Sát thực, hiệu quả” trong nhiều năm gần đây, huyện Đại Từ đã chỉ đạo các cơ sở DQTV lập kế hoạch huấn luyện theo từng đối tượng, tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát cũng như duy trì huấn luyện. Kết thúc mỗi đợt huấn luyện, địa phương tổ chức rút kinh nghiệm nên chất lượng huấn luyện từng bước được nâng lên. Đặc biệt là việc duy trì nền nếp, quân số, VKTB trong luôn bảo đảm đúng quy định, không có hiện tượng thiếu vắng hoặc đi muộn về sớm. Trung tá Vũ Văn Thực, Phó chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng, Ban CHQS huyện Đại Từ, khẳng định: Hằng năm, Đảng ủy Quân sự huyện luôn có nghị quyết lãnh đạo đối với nhiệm vụ huấn luyện DQTV và DBĐV. Trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, hiệu quả công tác huấn luyện. Từ đó, hoạt động của LLVT huyện Đại Từ luôn đi vào nề nếp, giữ vững tổ chức biên chế, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Bài và ảnh: Thiều Chung

 

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục