Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển”: Lính thợ không sợ hiểm nguy
Cập nhật ngày: 14/09/2020 07:53 (GMT +7)

Kho K56 (Cục Kỹ thuật) có nhiệm vụ quản lý, tiếp nhận, cấp phát, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất VKTBKT, đạn dược phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu của LLVT Quân khu. Dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng những người lính thợ của đơn vị vẫn tràn đầy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc, không sợ gian khó, hiểm nguy.


Luyện tập phương án phòng chống cháy nổ, xử trí tình huống cháy rừng tại Kho K56.

Đứng chân trên địa bàn 4 xã của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, Kho K56 thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ trong điều kiện quân số còn thiếu so với biểu biên chế. Đặc biệt, phức tạp, nguy hiểm nhất là công tác bảo quản, thanh xử lý bom đạn cấp 5 đã hết niên hạn sử dụng hoặc không còn đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ. Trong khu nhà kho của đơn vị luôn có hàng trăm thùng đạn, bom, mìn các loại nằm im lìm nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bởi lẽ các loại hoạt chất, thuốc nổ trong bom đạn đã bị biến chất, xuống cấp, ẩm mốc, khiến việc xử lý càng trở nên phức tạp. Đồng thời, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây là những thử thách rất lớn đối với tay nghề, cũng như bản lĩnh của những người lính thợ để có thể xử lý, vô hiệu hóa thành công mọi hiểm nguy rình rập.

Để xử lý, bảo quản hàng trăm tấn đạn an toàn mỗi năm, Kho K56 đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tinh thần nêu gương và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được đặt lên hàng đầu; đặc biệt là khơi dậy, duy trì phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua thực hiện phong trào thi đua tại đơn vị, đã có nhiều sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực như: Vam nâng mặt nắp mìn; giá treo hong phơi mìn chống tăng TM57 sau khi sơn; sáng kiến dây chuyền hủy đốt ngòi đạn… 

Đại úy QNCN Nguyễn Thanh Tùng, Thủ kho Đạn cấp 5, Kho K56 cho biết: Trước đây quá trình hủy đốt thực hiện trong lò đốt kiểu cũ, ngòi đạn và củi xếp xen kẽ nhau dẫn tới khả năng ngòi hủy không hết, anh em vất vả khi mỗi lần hủy đốt đều phải xây lò mới, mất nhiều nhân công, tốn thời gian mà hiệu quả không cao. Từ khi áp dụng sáng kiến “dây chuyền hủy đốt ngòi đạn”, nhân lực giảm 1 nửa mà năng suất lại tăng lên. Ưu điểm nổi bật của sáng kiến so với phương pháp cũ đó là: Sử dụng lò đốt bằng thép, đặt âm dưới đất trong hầm có xây gạch chịu lửa, vì vậy hiệu quả đốt sẽ cao hơn. Ngòi đạn và củi được tiếp liên tục vào trong lò thông qua hệ thống băng chuyền, ống trượt vì vậy tạo được khoảng cách an toàn cho người thợ làm việc, ngòi được tiếp vào từng chiếc một nên bảo đảm nổ hết, giảm được công sức bộ đội trong quá trình xây dựng lò mới khi phải hủy với khối lượng lớn. Hệ thống băng chuyền có thể hoạt động độc lập thủ công hoặc tự động khi đủ điều kiện nhờ hệ thống mô tơ và bảng điều khiển.

Tìm hiểu về quá trình thanh xử lý đạn cấp 5, chúng tôi được biết: Mỗi loại đạn khác nhau căn cứ vào tính chất, đặc điểm, thực tế chất lượng đạn mà có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của ngành. Các đợt thanh xử lý thường kéo dài từ 2-3 tháng, đây là giai đoạn căng thẳng về cả thể lực và tinh thần. Đội ngũ xử lý, bảo quản đạn cách ly được tuyển chọn từ những người thợ lành nghề, có kiến thức và kinh nghiệm trong xử lý, bảo quản, đặc biệt phải có tinh thần “thép”, không ngại gian khổ, vất vả, biết làm chủ tình huống. Trong quá trình xử lý, phải hết sức thận trọng, không được vội vàng, làm tắt, làm ẩu, chỉ cần sơ suất nhỏ như va đập, đánh rơi, tạo ra ma sát giữa các quả đạn sẽ xảy ra mất an toàn, phải trả giá bằng sinh mạng của bản thân và đồng đội. Mỗi người thợ khi bước vào xử lý đạn, mìn luôn coi đây là trận chiến thực sự, tất cả tập trung cao độ cho công việc.

Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm Kho K56 cho biết: Đảng ủy, chỉ huy Kho đã có nhiều chủ trương, biện pháp để đảm bảo an toàn kho tàng. Đi đôi với thực hiện tốt công tác thanh xử lý đạn dược cấp 5, công tác đảm bảo an toàn kho tàng cũng luôn được quan tâm chú trọng và có sự đầu tư cả về sức người, sức của. Hằng tháng đơn vị đều tổ chức luyện tập phương án phòng cháy chữa cháy từ phân đoạn tới liên hoàn. Phối hợp với Viện cơ giới (Bộ Quốc phòng) xây dựng, lắp đặt hệ thống cứu hỏa bán tự động trong khu kỹ thuật; nâng cấp xe cứu hỏa có dung tích chứa nước từ 2,4m3 lên 3,2m3; cùng hàng chục trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn khác. Không chỉ bảo vệ an toàn kho tàng, trong những năm qua, đơn vị đã nhiều lần cơ động lực lượng giúp đỡ nhân dân địa phương chữa cháy rừng, nhà xưởng sản xuất, góp phần giảm nhẹ thiệt hại cho bà con nhân dân, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đánh giá cao.

Với tính chất đặc thù của một kho quân khí tổng hợp, có nhiều loại VKTBKT đặc chủng, thuộc hàng dự trữ quốc phòng; để hoàn thành một khối lượng lớn công việc, đơn vị thường xuyên giáo dục cho cán bộ, nhân viên nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy trình công nghệ, quy định, quy tắc chung; đồng thời  làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nhằm khôi phục, duy trì chất lượng, đảm bảo hệ số kỹ thuật để đưa VKTBKT vào niêm cất. Cùng với đó, việc đào tạo, xây dựng đội ngũ lính thợ nhiệt huyết, yêu nghề, chính là nguồn vốn quý giúp Kho K56 luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

Bài và ảnh: NGỌC ANH
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục