Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển”: Tình quân dân nơi “tuyến đầu” phòng, chống dịch
Cập nhật ngày: 13/02/2020 09:15 (GMT +7)

Là tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 10 lối mở trên tuyến biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã nêu cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện tốt việc tiếp nhận và bảo đảm nơi ăn nghỉ, sinh hoạt, theo dõi sức khỏe đối với công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc. Qua đó, tô thắm thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lạng Sơn, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn được giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt phối hợp với các lực lượng chức năng gồm Công an, Biên phòng, Sở Y tế… thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh Lạng Sơn thành lập 3 cơ sở cách ly: Trung đoàn 123 (Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn), Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 123 (đóng quân độc lập) và Trường Quân sự tỉnh Lạng Sơn, dự kiến đảm bảo nơi ăn, nghỉ cho khoảng 1.400 người. 

Để đảm bảo điều kiện tốt nhất tại các khu cách ly, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất và hậu cần; đồng thời chỉ đạo quân y các đơn vị tiến hành tiêu độc, khử trùng. Đại tá Lê Văn Bền, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn cho biết “Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt nhiệm vụ, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phục vụ nhân dân trong khu cách ly với khả năng cao nhất có thể. Đồng thời lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên người dân yên tâm theo dõi sức khỏe tại khu cách ly, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả…”.

 


Chiến sĩ Trung đoàn 123, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn phục vụ bữa ăn cho người dân đang sinh hoạt tại khu cách ly.

 

Có mặt tại Trung đoàn 123, chúng tôi được biết: Ngay khi được tiếp nhận, người dân cung cấp thông tin tên, tuổi, quê quán và được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123 ân cần bố trí nơi ăn, ngủ, sinh hoạt, phổ biến rõ các quy định. Lực lượng quân y và y tế của tỉnh nhanh chóng tổ chức khám lâm sàng và đo thân nhiệt đối với từng người. Ngay trong ngày đầu tiếp nhận (3-2), các chiến sĩ nuôi quân đã phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để đi chợ, chế biến món ăn trong điều kiện mưa rét tái tê, nhằm kịp thời phục vụ hàng trăm người dân trở về từ Trung Quốc. Với khẩu phần ăn được đảm bảo như một chiến sĩ bộ binh (57.000 đồng/người/ngày), bằng tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, các chiến sĩ đã chuẩn bị bữa ăn tươm tất phục vụ bà con, với thực đơn khá đa dạng và bảo đảm giá trị dinh dưỡng cao. Đến giờ ăn, các chiến sĩ mang từng khẩu phần ăn đến trao tận tay mỗi người dân trong khu cách ly. Chuẩn bị, phục vụ bữa ăn và thu dọn, công việc đó được thực hiện 3 lần mỗi ngày cho đến khi dọn dẹp xong, những người lính mới có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân. 

Binh nhất, Lương Hồng Nhiên, Trung đội Phục vụ, Ban Hậu cần, Trung đoàn 123 tâm sự: “Lúc mới nhận nhiệm vụ, em cũng khá lo lắng, nhưng sau khi được quán triệt, phổ biến rõ về tình hình dịch bệnh, cơ chế lây nhiễm, cách bảo vệ bản thân, em và đồng đội đều xác định đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, phấn đấu để người dân có bữa ăn ngon, không để ai bị đói…”

Chị Vũ Thị Mai Loan, quê ở Thanh Hóa, vừa trở về từ Giang Tây (Trung Quốc) vui vẻ cho biết: “Khi biết sẽ phải cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe, tôi rất lo lắng, nhưng đến khi vào Trung đoàn 123, được đơn vị bảo đảm ăn uống, sinh hoạt chu đáo, có nước nóng để tắm, tivi, mạng wifi để cập nhật thông tin, mặt khác, các chú bộ đội quan tâm, hướng dẫn tận tình, tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng và chấp hành nghiêm các quy định của khu cách ly”. Cùng chung tâm sự, chị Nguyễn Thị Hiền, quê ở Bắc Ninh bộc bạch: “Xa quê đã lâu, nay lại phải cách ly chưa được về nhà ngay, tôi rất nhớ gia đình. Nhưng ở đây, các chú bộ đội rất nhiệt tình, thường xuyên động viên, quan tâm nên tôi cũng yên tâm và cố gắng thực hiện tốt nội quy của khu cách ly”.

Đến ngày 6-2, số công dân trở về từ Trung Quốc được tiếp nhận vào Trung đoàn 123 được chốt danh sách là 410 người, để bảo đảm ăn ở, sinh hoạt cho hơn 400 người, cán bộ chiến sĩ đơn vị phải làm việc không quản ngày đêm. Chứng kiến công việc thầm lặng của các y, bác sĩ tại khu cách ly, chúng tôi thêm cảm phục các chiến sĩ áo trắng đang từng ngày, từng giờ chiến đấu với dịch bệnh. Để phòng chống dịch, các y, bác sĩ phải sinh hoạt, làm việc hằng ngày ngay tại khu cách ly, đồng nghĩa, họ là những người “cách ly” hoàn toàn với gia đình, tất cả mối liên hệ chỉ qua liên lạc bằng điện thoại di động. Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Công Hạnh, Chủ nhiệm Quân y, Trung đoàn 123 cho biết: “Nhà cách đơn vị chỉ mấy trăm mét, nhưng vì nhiệm vụ không thể về, mà cũng là để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho gia đình. Bản thân đã động viên gia đình khắc phục, tạo điều kiện để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Góp phần cùng nhân dân đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian cách ly tại đơn vị”. 

Sau khi chốt danh sách công dân được tiếp nhận vào Trung đoàn 123, địa điểm tiếp nhận thứ hai tại Trường Quân sự tỉnh Lạng Sơn (cách thành phố khoảng 50km) đã bước vào “cuộc chiến” với dịch Covid-19. Mỗi ngày, đơn vị đón từ 1 đến 2 chuyến xe chở người từ Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị về cách ly. Họ là những người lao động, học sinh, sinh viên đang ở Trung Quốc về nước tránh dịch và cả những người bị lực lượng chức năng nước bạn trả về vì nhập cảnh lưu trú trái phép khi sang Trung Quốc làm thuê. Tất cả người dân đều được cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự tỉnh Lạng Sơn tận tình phục vụ; các bác sĩ quân y LLVT tỉnh Lạng Sơn và Bệnh viện huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần Quân khu) túc trực thường xuyên để kiểm tra, chăm lo sức khỏe cho từng người. 

Tính đến ngày 12-2, tại 2 địa điểm cách ly là Trung đoàn 123 và Trường Quân sự tỉnh Lạng Sơn đã có tổng số 765 người dân trở về từ Trung Quốc tham gia cách ly tại đơn vị. Những ngày tiếp theo, sẽ còn nhiều công dân từ Trung Quốc về nước qua Lạng Sơn được tiếp nhận vào các đơn vị. Cho tới thời điểm này, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò tiên phong, nòng cốt của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lạng Sơn, việc kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh đang được thực hiện tốt. Trong khó khăn, hình ảnh đẹp về người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đang ngày đêm góp sức cùng nhân dân cả nước phòng chống dịch bệnh với quyết tâm không để một người dân nào bị bỏ lại sẽ mãi là khúc ca đẹp về tình quân dân trong thời kỳ mới.

 

Bài và ảnh: DƯƠNG NGUYÊN
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục