Những năm qua, quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh, ngành CNQP đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện và đạt những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nền CNQP nước ta đã có bước phát triển toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển CNQP từng bước hoàn thiện. Tổ chức lực lượng CNQP được củng cố, kiện toàn, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Việc đầu tư cho CNQP được chú trọng, nhất là những ngành mũi nhọn, đặc thù. Việc huy động tiềm lực khoa học, công nghệ (KHCN), công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng, phát triển CNQP có bước chuyển tích cực; hợp tác quốc tế về CNQP cũng được mở rộng. Các dự án đầu tư phát triển CNQP, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, đúng định hướng. Nhiều dự án, sản phẩm trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

Năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của CNQP có bước phát triển đột phá. Tỷ lệ các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại và khả năng sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT được nâng cao, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất VKTBKT cho lực lượng vũ trang (LLVT), giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Năng lực sản xuất, sửa chữa các sản phẩm CNQP, nhất là đóng tàu quân sự, điện tử viễn thông phát triển mạnh. Công tác nghiên cứu KHCN bước đầu gắn kết chặt chẽ với sản xuất, tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao, nhiều sản phẩm nghiên cứu phát triển đã được trang bị cho LLVT, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, CNQP còn sản xuất được một số sản phẩm phục vụ dân sinh và xuất khẩu.


Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham quan các vũ khí, trang bị do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sản xuất.

Tuy nhiên, ngành CNQP cũng đang phải giải quyết một số khó khăn, bất cập, đó là tình trạng chậm ban hành và thiếu đồng bộ của thể chế, chính sách; công tác quy hoạch, kế hoạch đối với nhiệm vụ này có mặt còn hạn chế; tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý và nguồn nhân lực còn những mặt bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển CNQP còn có sự khó khăn...

Hiện nay và trong những năm tới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta đang và sẽ đặt ra những yêu cầu mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với quốc phòng, an ninh nước ta, trong đó có CNQP.

Nhận thức sâu sắc được xu hướng đó, dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: "Xây dựng, phát triển nền CNQP, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội". Đây là một trong những nội dung bổ sung mới, một định hướng chiến lược, mang tính tầm nhìn lâu dài của Đảng và Nhà nước đối với phát triển ngành CNQP; vừa là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược, vừa là giải pháp để quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện, nhằm xây dựng nền CNQP hiện đại, có đủ khả năng nghiên cứu phát triển, sản xuất và cung cấp các loại VKTBKT và phương tiện hiện đại cho quân đội.

Yêu cầu đặt ra đối với ngành CNQP là phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển CNQP, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo", Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-4-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Thông báo kết luận số 25/TB-TW ngày 11-4-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Đề án “Đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tập trung xây dựng và phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo hướng độc lập, tự chủ, làm chủ được KHCN hiện đại và phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế; phấn đấu đạt mục tiêu quốc gia khởi nghiệp từ CNQP. Đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu KHCN hiện đại trong hoạt động nghiên cứu, tạo bước chuyển biến và hình thành các sản phẩm có tính đột phá về KHCN; đổi mới công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT, tạo sự tăng trưởng cả về số lượng, chủng loại mới, có tính năng kỹ thuật, chiến thuật cao.

Cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển CNQP; rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, bảo đảm tính đồng bộ, đổi mới, hiệu quả và không chồng chéo; từng bước kiện toàn tổ chức CNQP trên cơ sở xem xét tổng thể, kỹ lưỡng, hiệu quả, bảo đảm năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện điều đó, trước mắt năm 2021 và những năm tới, ngành CNQP tổ chức tốt việc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP (2008-2020), làm cơ sở xây dựng Luật CNQP trình Quốc hội thông qua, ban hành trong thời gian tới.

Tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực CNQP chất lượng cao. Tích cực, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật số, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ... thông qua các chương trình đào tạo trong nước và hợp tác quốc tế. Cùng với đó, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho xây dựng và phát triển CNQP.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp quốc phòng nhằm kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế trong phát triển CNQP... Huy động có hiệu quả tiềm lực KHCN quốc gia, công nghiệp dân sinh cho nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP trong chiến lược xây dựng, phát triển của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, từng bước hình thành thị trường CNQP; đồng thời tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp tạo nguồn kinh phí phát triển CNQP...

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục