Ấn Độ củng cố năng lực vũ khí hạt nhân chiến lược
Cập nhật ngày: 13/12/2019 21:07 (GMT +7)

Trung tuần tháng 12-2019, Ấn Độ đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạn đạo tầm xa Agni-3. Vụ phóng thử ban đầu được cho là thành công, nhưng theo nhiều nguồn tin thì tên lửa Agni-3 đã rơi không lâu sau khi rời bệ phóng.

Agni-3 được biết tới là tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và là một phần của khả năng răn đe hạt nhân của Ấn Độ. Vấn đề không chỉ đơn giản là một vụ phóng thử thất bại, mà còn nằm ở hàng loạt vấn đề kỹ thuật khác buộc Ấn Độ phải tìm phương án khắc phục để đảm bảo năng lực của lực lượng hạt nhân chiến lược.

Agni-3 không như kỳ vọng

Nguyên nhân của vụ phóng tên lửa Agni-3 thứ 7 thất bại được xác định là do khả năng tách tầng phóng của đạn tên lửa gặp vấn đề khiến nó không đạt được quỹ đạo bay như tính toán. Quá trình điều tra sau đó đã phát hiện ra việc Agni-3 áp dụng nhiều công nghệ lạc hậu, kém tin cậy và không còn được nhiều quốc gia áp dụng.

Ấn Độ bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-3 với kết cấu 2 tầng đẩy từ năm 2001. Dòng tên lửa này được kỳ vọng sẽ có khả năng cơ động cao và thời gian triển khai và thu hồi ngắn. Tuy nhiên, quá trình phát triển tên lửa Agni-3 không đáp ứng được như kỳ vọng.


Tên lửa Agni-3. Ảnh: DefenseTalk.

Tổ hợp tên lửa Agni-3 được thiết kế có tầm bắn ước khoảng 3.500km và mang theo khối đầu đạn nặng 2 tấn. Tuy nhiên, do trọng lượng của đạn tên lửa quá nặng tới 45 tấn, tương đương với các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa (tầm bắn trên 5.500km) khiến nó không thể phù hợp với các phương tiện chuyên chở thông dụng. Cùng với đó, dù được phát triển trong thời gian gần đây, tên lửa Agni-3 không được chứa trong khoang bảo quản kiêm ống phóng để tăng khả năng cơ động và tự bảo vệ.

Ngay khi xuất hiện, giới chuyên gia quân sự đã nghi ngờ về khả năng cơ động của tên lửa Agni-3. Việc cơ động tên lửa phụ thuộc vào hệ thống đường ray, nhưng không phải có chức năng giống như các đoàn tàu tên lửa hạt nhân của Liên Xô hay Nga. Hệ thống đường ray chỉ có tác dụng vận chuyển đạn tên lửa Agni-3 từ hầm chứa ra bệ phóng lộ thiên. Như vậy, Agni-3 gần như là một tên lửa đạn đạo cố định không có khả năng cơ động như kỳ vọng của giới chức Ấn Độ.

Một vấn đề khác cũng tạo ra sự hoài nghi về độ tin cậy của Agni-3 là việc nó được chấp nhận vào biên chế Quân đội Ấn Độ chỉ sau 4 vụ phóng thử. Với các loại vũ khí phức tạp, đòi hỏi nhiều chỉnh sửa và hoàn thiện như tên lửa, một vài vụ phóng thử chưa thể khẳng định được chất lượng và ổn định của khí tài. Quân đội Ấn Độ đã triển khai khoảng 8-12 bệ phóng tên lửa Agni-3 ở nhiều địa điểm tại miền Bắc đất nước.

Xây dựng hệ thống tên lửa đạn đạo tin cậy và an toàn

Một vấn đề đáng quan tâm liên quan tới vụ phóng thử tên lửa Agni-3 thất bại chính là việc rất nhiều công nghệ của nó được áp dụng lên các dòng tên lửa khác có tầm bắn xa hơn của Ấn Độ, trong đó có Agni-5. Dòng tên lửa đưa Ấn Độ vào câu lạc bộ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) dù đã phóng thử thành công cả 6 lần, nhưng các vấn đề công nghệ phát hiện trên Agni-3 đã tạo ra sự nghi ngờ về độ tin cậy của dòng tên lửa chủ lực trong hệ thống hạt nhân chiến lược của Ấn Độ.

Không chỉ có Agni-5, công nghệ của Agni-3 còn được ứng dụng để phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) K-15 Sagarika. Quá trình phát triển SLBM này hiện cũng đang gặp nhiều vấn đề kỹ thuật chưa thể khắc phục. Dù tầm bắn của K-15 được kỳ vọng đạt 2.800km, nhưng các vụ phóng thử chỉ đảm bảo ở tầm 750km. Những vấn đề kỹ thuật trên đã được liên hệ trực tiếp với các phát hiện mới đây trên tên lửa Agni-3.


Việc công nghệ của Agni-3 được áp dụng trên nhiều dòng tên lửa đạn đạo tầm xa trong hệ thống răn đe hạt nhân của Ấn Độ đã tạo ra nghi vấn về sự kém tin cậy của hệ thống này. Ảnh: Getty.

Giải thích về vấn đề này, giới chuyên gia quân sự đánh giá, Ấn Độ mới chỉ đặt chân vào lĩnh vực tên lửa tầm xa với hàng loạt rào cản kỹ thuật cần phải vượt qua. Tuy nhiên, do thiếu quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ và những tiền lệ xấu về chất lượng các chương trình phát triển vũ khí nội địa, cũng như sự kỳ vọng lớn của giới chức Ấn Độ vào các dòng vũ khí phức tạp, có khả năng tấn công tầm xa đã khiến quá trình phát triển các dòng tên lửa Agni bị đẩy nhanh. Sự vội vàng này đã phải trả giá bằng các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng trên các sản phẩm được giới thiệu.

Các vấn đề kỹ thuật của lực lượng hạt nhân chiến lược của Ấn Độ không chỉ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, mà còn ẩn chứa nhiều hệ lụy nguy hiểm về kém an toàn. Những đạn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân khi gặp vấn đề và rơi có thể tạo ra ô nhiễm phóng xạ, thậm chí là các vụ nổ hạt nhân mất kiểm soát. Để khắc phục vấn đề này, Ấn Độ sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng lại hệ thống tên lửa đạn đạo tin cậy và an toàn.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục