Những bước đi cần làm để có được hòa bình sẽ giống như việc uống thuốc đắng: không ai thích uống, nhưng nó là cần thiết để bảo toàn mạng sống.


Hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS trong một buổi huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện liên hợp Camp Blanding, Florida, Mỹ. Ảnh: 19fortyfive

Trên trang 19fortyfive, chuyên gia an ninh quân sự Daniel L. Davis - thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách Defense Priorities, có bài viết cho rằng, một kết cục hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể được lựa chọn bởi nhiều bên. Nó không phải là hoàn toàn khó nắm bắt như người ta thường tin vậy. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, với lớp lãnh đạo hiện tại, không dễ để nói rằng hòa bình sẽ được tìm kiếm. 

Theo ông Davis, có ba mục tiêu nên thúc đẩy chính sách của Mỹ là: an ninh của Mỹ; an ninh và hạnh phúc của người dân Ukraine; an ninh và hạnh phúc của các đồng minh NATO ở châu Âu của Mỹ. Nếu đó là những ưu tiên hàng đầu, thay vì làm suy yếu nước Nga như hiện nay, thì hòa bình mới có thể đạt được.

Chuyên gia Davis cho rằng, quá trình đi tới giải pháp hòa bình không dựa trên mong muốn của phương Tây về một chiến thắng của Ukraine, thất bại của Nga và Ukraine gia nhập NATO – những điều không thể đạt được về mặt quân sự. Và những bước đi cần làm để có được hòa bình sẽ giống như việc uống thuốc đắng: không ai thích uống, nhưng nó là cần thiết để bảo toàn mạng sống.

Để đạt được một nền hòa bình bền vững, ông David cho rằng, trước hết, các nhà lãnh đạo phương Tây nên cảnh báo Tổng thống Ukraine, Zelensky rằng sự hỗ trợ quân sự, chính trị và tài chính không giới hạn từ phương Tây sẽ kết thúc vào một thời điểm nhất định và do đó, ông phải thực hiện thỏa thuận tốt nhất có thể với Tổng thống Nga Putin để chấm dứt xung đột, chấm dứt việc phá hủy các thành phố của Ukraine và ngăn chặn thêm bất kỳ công dân Ukraine nào phải chịu những cái chết không cần thiết.

Thứ hai, các đường nét cơ bản của nền hòa bình này sẽ tập trung vào việc thừa nhận rằng Donbas và Crimea sẽ không sớm trở lại với Kiev. Như đã được xem xét trong các cuộc họp ở Istanbul vào tháng 3/2022 giữa Nga và Ukraine, những vùng lãnh thổ đó Ukraine không phải từ bỏ vĩnh viễn mà phải hoãn đàm phán trong 15 năm. Nga sẽ đóng băng các cuộc tấn công của mình tại đường tiếp xúc hiện tại và bị cấm giành thêm bất kỳ lãnh thổ nào ở Luhansk, Donetsk, Zaporizhia hoặc Kherson.

Và thứ ba, một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (bao gồm các thành viên quân sự bên ngoài châu Âu) sẽ được thành lập để đảm bảo không bên nào vượt qua hoặc tấn công đường phân chia đã thỏa thuận. Ukraine sẽ tuyên bố mình trung lập về mặt quân sự và đổi lại, Nga sẽ không can thiệp vào việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Sẽ có nhiều yếu tố quan trọng khác của một thỏa thuận hòa bình, nhưng đây là những yếu tố chính cần thiết để kết thúc giao tranh và trả lại sự ổn định cho lục địa già.

Ông David phân tích rằng, trong khi đó, an ninh quốc gia của NATO và Mỹ sẽ vẫn mạnh mẽ, và trên thực tế, được đảm bảo hơn trong môi trường hậu thỏa thuận này so với trước tháng 2/2022. Có bốn lý do rất thực tế để làm cơ sở cho tuyên bố này. Đầu tiên, quân đội (với trang bị vũ khí thông thường) của Nga đã tỏ ra là yếu hơn nhiều so với những gì thế giới từng tin, bằng chứng là họ không có khả năng chinh phục hơn khoảng 17% Ukraine ngay cả sau 14 tháng chiến tranh tổng lực.

Thứ hai, hầu hết các nước NATO đã đặt mình vào con đường tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Thứ ba, với sự gia nhập của Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển, sườn phía Đông của NATO sẽ mạnh hơn và đoàn kết hơn để chống lại Nga hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1980.

Và cuối cùng, quân đội Nga đã chịu thiệt hại nặng nề, cả về nhân sự và trang thiết bị, và có thể sẽ cần hàng thập kỷ để phục hồi ngay cả sức mạnh quân sự trước năm 2022 của họ.

Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa, an ninh của Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ được củng cố bằng cách chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, chuyên gia David cho rằng, xét nhiều khả năng, cả Mỹ và châu Âu sẽ không đi theo con đường nói trên để đạt được an ninh, nếu họ tiếp tục theo đuổi mong muốn chứng kiến ​​Nga thua và Ukraine thắng. Họ sẽ tiếp tục làm cạn kiệt kho đạn dược, vũ khí của chính mình và gửi hàng tỷ USD cho Kiev, một con đường mà ông cho rằng rất có thể sẽ dẫn đến việc các thành phố của Ukraine bị phá hủy nhiều hơn, mất thêm nhiều sinh mạng hơn, và có thể mất thêm lãnh thổ.

Chuyên gia David cho biết, ông đã lập luận kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, rằng không có con đường dẫn đến chiến thắng quân sự cho Kiev. Ukraine và những người ủng hộ phương Tây có thể bỏ qua thực tế quân sự này và cố gắng đạt được chiến thắng bằng mọi cách, nhưng cuối cùng, hai kết quả rất có thể sẽ là một giải pháp thương lượng hoặc một thất bại quân sự. Trong cả hai trường hợp, đường biên giới năm 1991 sẽ không sớm được khôi phục.

Theo ông, nhiều người sẽ chỉ trích đề xuất cho rằng Mỹ nên thúc ép Tổng thống Zelensky tìm kiếm một giải pháp thương lượng. Nhiều người sẽ tuyên bố làm như vậy là “thưởng cho sự gây hấn”. Nhưng không phải vậy. Nga đã phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng và sẽ là một nước chịu ảnh hưởng uy tín quốc tế trong một thời gian đáng kể, bất kể cuộc xung đột kết thúc như thế nào.

Chuyên gia David nhận định rằng không có con đường khả thi nào để phương Tây có thể chuyển đổi kết quả mong muốn của mình - chiến thắng bên Ukraine và thất bại phía Nga - với chi phí chấp nhận được. Do đó, họ nên ngừng đi theo con đường không thể thành công và bắt đầu đưa ra các chính sách có cơ hội thành công dựa trên thực tế.

Theo TTXVN

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục