CPTPP - hướng đi của thương mại tiến bộ thế kỷ XXI
Cập nhật ngày: 13/03/2018 23:37 (GMT +7)

Một năm sau khi Mỹ đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương còn lại, trong đó có Việt Nam, đã ký kết một hiệp định mới nhằm xóa bỏ các rào cản thuế quan trong khu vực. Thỏa thuận mới, được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được đánh giá là "hướng đi" đúng đắn cho một nền thương mại tiến bộ, cởi mở và công bằng trong thế kỷ XXI, nơi không có mối đe dọa của các cuộc chiến tranh thương mại.



Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (thứ nhất từ phải) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP.      

Việc lễ ký kết CPTPP diễn ra gần như cùng thời điểm Tổng thống Mỹ quyết định áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu càng khiến dư luận xem sự kiện này là một thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, vốn đang trở thành rào cản đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu.

CPTPP đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của 11 quốc gia thành viên nhằm hồi sinh TPP.  Thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn đổ lỗi cho thương mại tự do là nguyên nhân khiến người dân Mỹ mất việc làm, tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP khi mới lên nhậm chức hồi đầu năm 2017, đã xuất hiện nhiều dự đoán cho rằng TPP sẽ không thể đứng vững nếu không có quốc gia có sức ảnh hưởng nhất.

Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại vẫn nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận này với quyết tâm cao. Như tuyên bố của Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi, CPTPP là một thành tựu lịch sử giúp tạo ra những quy tắc tự do và công bằng trong thế kỷ XXI ở châu Á-Thái Bình Dương. CPTPP không chỉ mang lại lợi ích cho các nước thành viên, mà còn tạo động lực mới cho sự hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại của khu vực.

Với CPTPP, giờ đây các nước thành viên đã có công cụ hữu hiệu để thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực. Những nỗ lực hồi sinh TPP, cho ra đời một CPTPP đầy tiềm năng đang tạo ra cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương những cơ hội lớn để tiếp tục dẫn dắt nhịp độ tăng trưởng kinh tế-thương mại toàn cầu.

Nhiều lãnh đạo của 11 quốc gia thành viên vừa tham gia ký kết CPTPP hoan nghênh hiệp định như một thông điệp rõ ràng ủng hộ thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương. Tổng thống Chile Michelle Bachelet tuyên bố CPTPP  là một cam kết về sự hội nhập và là tín hiệu rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ, là một hình mẫu hợp tác đa phương đầy tham vọng và chiến lược trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay.

Dư luận tại Mỹ cũng đánh giá CPTPP như một thỏa thuận đối kháng mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ ở quốc gia này. Với tiêu đề "Các đồng minh của Mỹ ký một thỏa thuận thương mại thách thức Trump", bài viết trên báo New York Times cho rằng nhóm 11 quốc gia, trong đó có cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản, Canada và Australia, đã ký một hiệp định thương mại mới thách thức quan điểm của Tổng thống Trump vốn coi thương mại là "trò chơi có tổng bằng không".

Với 500 triệu dân sống bên hai bờ Thái Bình Dương, CPTPP hay còn gọi là TPP-11 sẽ tượng trưng cho tầm nhìn mới về thương mại toàn cầu trong bối cảnh Mỹ đe dọa áp đặt thuế nhập khẩu mặt hàng nhôm và thép thậm chí cả với những bạn bè và láng giềng thân cận nhất của mình. Báo New York Times dẫn lời bà Wendy Cutler, từng là nhà thương thuyết thương mại của Mỹ tham gia tiến trình đàm phán TPP, nhận định Mỹ khó có thể phớt lời những quy định mà tất cả những nước khác đã nhất trí và sẽ phải xem xét kỹ lưỡng những quy định này.

Còn báo The Wall Street Journal đăng bài "Thiếu Mỹ, TPP vẫn được xúc tiến" nhận định sự hồi sinh của TPP chứng tỏ chính sách thương mại "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Donald Trump đang cô lập nước Mỹ đến mức nào cũng như những tính toán sai lầm, nhất là việc từ bỏ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), sẽ khiến giới doanh nghiệp và người lao động Mỹ khó có thể nắm bắt những cơ hội toàn cầu vốn có ý nghĩa quan trọng sống còn. CPTPP sẽ gây những tác động đáng kể đối với Mỹ.

Các nhà sản xuất, nông dân và cung cấp dịch vụ của Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh tại những thị trường TPP chủ chốt, nhất là Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam. CPTPP cũng là minh chứng mới nhất cho thấy các quốc gia khác đang đẩy nhanh những nỗ lực ký kết các thỏa thuận thương mại.

Giới chuyên gia toàn cầu cũng nhìn nhận CPTPP như một câu trả lời đầy thách thức với chủ nghĩa bảo hộ. Yoichi Funabashi, Chủ tịch cơ quan tư vấn Sáng kiến châu Á - Thái Bình Dương, viết trong bài bình luận đăng trên tờ Washington Post rằng: “Thế giới sẽ không đơn giản ngừng lại chỉ vì sự quay lưng của Mỹ”.

Joshua Meltzer, học giả cấp cao về kinh tế toàn cầu và chương trình phát triển tại Viện Brookings, khẳng định CPTPP đẩy Mỹ vào thế bất lợi từ cả góc độ thương mại và chiến lược rộng hơn, là một khối thương mại gạt Mỹ ra ngoài lề. Theo chuyên gia này, CPTPP đã "thu hẹp đáng kể" khả năng của Mỹ để định hình các luật lệ thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

NGỌC ÁNH/TTXVN

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục