Những biến động và luồng gió mới ở nước Đức
Cập nhật ngày: 28/12/2021 14:13 (GMT +7)

Một năm có thể nói đầy sóng gió với nước Đức sắp khép lại. Nhiều sự kiện được coi là "địa chấn" chính trị đã xảy ra ở Đức.


 Phó Thủ tướng Đức kiêm ứng viên tranh cử Thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Olaf Scholz (phải, hàng trước) sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố trên truyền hình, tại Berlin, ngày 26/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh đó, sức càn quét của làn sóng lây nhiễm thứ ba và thứ tư dịch COVID-19 nhiều lúc khiến nước Đức chao đảo. Tuy nhiên, cánh cửa của niềm tin và hy vọng đã mở ra với quốc gia đầu tàu châu Âu sau màn chuyển giao quyền lực êm đẹp. Luồng gió mới đang thổi khắp nước Đức.

Năm 2021 là năm "siêu bầu cử" tại Đức, trong đó có tới 5 cuộc bầu cử cấp nghị viện bang và cuộc bầu cử quốc hội liên bang. Cuộc tổng tuyển cử năm 2021 đánh dấu sự sụt giảm kỷ lục số phiếu ủng hộ đối với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), liên đảng bảo thủ từ năm 1949 tới nay từng có tới 3/4 thời gian nắm giữ chức thủ tướng. Kết quả này buộc CDU/CSU phải chấp nhận trở thành đảng đối lập, trong khi với đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đây lại là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới.

Khép lại kỷ nguyên Merkel

Thời điểm này hai năm trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel - từng được mệnh danh là "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" - tuyên bố sẽ không tái tranh cử khi kết thúc nhiệm kỳ cũng như sẽ rút khỏi chức Chủ tịch CDU. Trong bài phát biểu đầy xúc động và có phần bất ngờ tại Đại hội đảng CDU ở Hamburg thời điểm đó, nữ chính trị gia kỳ cựu nhấn mạnh quyết định của bà sẽ là khởi đầu một chương mới cho CDU cũng như nước Đức, đồng thời nêu rõ CDU không được nhìn lại quá khứ mà phải hướng về phía trước với những con người mới, song với những giá trị không đổi.

Thời gian 16 năm bà Merkel cầm quyền, từ năm 2005-2021, là giai đoạn quốc gia đầu tàu châu Âu phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức, điển hình là khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, tiếp đến là khủng hoảng nợ công châu Âu với "phát súng" đầu tiên ở Hy Lạp, sau đó lan sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy ... Khủng hoảng đẩy nhiều nước châu Âu tới bờ sụp đổ, vỡ nợ. Nước Đức, với vai trò là nền kinh tế mạnh nhất EU, được xem là đầu tàu chèo lái cả khu vực vượt qua cơn sóng dữ. Với cách tiếp cận khoa học và kiên quyết cùng yêu cầu thực thi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và cải cách kinh tế triệt để, người được mệnh danh "bà đầm sắt" Merkel đã giúp khủng hoảng dần lắng xuống. Đây có thể coi là một trong những thành tựu lớn nhất của nữ Thủ tướng Đức. Tuy nhiên, cho tới nay, nhiều nước Nam Âu khi nhắc lại thời điểm "nghìn cân treo sợi tóc" này chắc hẳn vẫn không ưa gì cách giải quyết mà họ cho là quá cứng rắn và gần như không thể thương lượng của nhà lãnh đạo Đức.

Khủng hoảng cũ chưa qua, khủng hoảng mới lại đến. Năm 2015, nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung lại phải gồng mình ứng phó với cuộc khủng hoảng người di cư. Quyết định có lẽ là khó khăn nhất và được nhắc tới nhiều nhất của bà Merkel là mở cửa chào đón người tị nạn tới Đức. Thủ tướng Merkel từng thừa nhận, đó là tình huống vô cùng khó khăn, bản thân bà cho là đúng và đã đưa ra quyết định xét về mặt chính trị và nhân đạo. Dư luận vẫn chưa quên hình ảnh đoàn người đổ ra các nhà ga chính ở München và Frankfurt chào đón người tị nạn tới Đức. Dù vậy, quyết định này cũng đã gây chia rẽ, rạn nứt và những ý kiến trái chiều ở nước Đức cũng như châu Âu mà cho tới tận bây giờ vẫn là chủ đề chưa có hồi kết. Người tị nạn vẫn tiếp tục kéo tới "miền đất hứa" châu Âu, trong khi "Lục địa Già" vẫn chưa thể có một chính sách thống nhất và ràng buộc trong vấn đề này.

Nửa cuối nhiệm kỳ thứ tư có lẽ là thời gian mệt mỏi kéo dài nhất đối với nhà lãnh đạo Đức. Đại dịch COVID-19 như những cơn sóng thần liên tiếp "đập-nhả" nước Đức, gây quá tải, khiến Đức lâm vào tình trạng thiếu thốn trang thiết bị phòng dịch tới cơ sở y tế và nhân lực. Là một nhà nước liên bang, quyền lực thực thi các biện pháp chống dịch lại nằm trong tay các bang, khiến Thủ tướng Merkel trong nhiều hội nghị với thủ hiến các bang chỉ có thể đóng vai trò như một "MC", phải lựa lời điều phối mà không thể ra quyết định mang tính ràng buộc trong triển khai hành động. Bà đã phải vận động để Quốc hội sửa đổi luật phòng chống lây nhiễm, trao quyền lớn hơn cho chính phủ liên bang trong các quyết sách chống dịch. Trong "thế khó" như vậy, có thể nói, là một nhà khoa học, Thủ tướng Merkel đã có cách tiếp cận hợp lý để nhanh chóng ứng phó với từng làn sóng lây nhiễm, giúp nước Đức giảm thiểu hậu quả do đại dịch gây ra.


Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) nhận hoa chúc mừng từ người tiền nhiệm Angela Merkel, tại văn phòng Chính phủ ở Berlin, ngày 8/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù còn một số tranh cãi, song dư luận nhìn chung cho rằng cách giải quyết và những quyết sách của bà Merkel là bền bỉ, khoa học, đều gắn với khủng hoảng và tháo gỡ khủng hoảng.

Những cơn "địa chấn"

Sự rút lui khỏi vị trí lãnh đạo CDU của bà Merkel đã ít nhiều để lại những khoảng trống khó có thể lấp đầy. Mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ liên minh CDU/CSU khi cần đưa ra một ứng cử viên thủ tướng chung của hai đảng, bởi cả Chủ tịch mới của CDU Armin Laschet và Chủ tịch CSU Markus Söder đều muốn ra tranh cử. Bề ngoài, hai đảng kết nghĩa "chị em" này vẫn tỏ ra êm thấm, nhưng bên trong thì rõ ràng là những "đối thủ" của nhau. Sóng ngầm nổi lên trong CDU khi rất nhiều nghị sĩ CDU cũng như một số đoàn CDU cấp bang lên tiếng ủng hộ ông Söder trở thành ứng cử viên thủ tướng. Rốt cuộc, CSU vẫn phải ngậm ngùi cùng CDU chọn ông Laschet ra ứng cử chức thủ tướng để kế nhiệm bà Merkel. Tranh giành và những rạn nứt nội bộ đã ảnh hướng xấu tới hình ảnh của liên đảng bảo thủ. Uy tín của CDU/CSU sụt giảm mạnh. Một số sai lầm cá nhân của ứng cử viên Laschet càng khiến ông mất điểm trước thềm cuộc bầu cử. Trong khi đó, nhìn chung trong suốt chiến tranh tranh cử, SPD là bên ổn định và thận trọng nhất, chắc chắn trong từng động thái và những lần xuất hiện của ứng cử viên Olaf Scholz trước đám đông hay truyền thông.

Kết quả bầu cử ngày 26/9 với việc SPD giành chiến thắng thực sự là cơn địa chấn đối với CDU/CSU, đặt dấu chấm hết cho liên đảng bảo thủ sau 16 năm cầm quyền của bà Merkel. Ứng cử viên Laschet phải tuyên bố từ chức Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen cũng như chức Chủ tịch CDU. CDU/CSU chuyển sang phía đối lập, SPD lên ngôi. Một kỷ nguyên mới mở ra cho nước Đức.

"Đèn giao thông" đã bật

Chỉ hơn hai tháng sau cuộc tổng tuyển cử, nước Đức đã có một chính phủ mới, một chính phủ liên minh lần đầu tiên ở cấp liên bang giữa ba đảng SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Ba đảng với những quan điểm khác biệt, song đã cùng thỏa hiệp, nhất trí bắt tay tham gia liên minh cầm quyền vì trách nhiệm chính trị và tương lai của nước Đức.

Thực tế thì kết quả bầu cử không cho các đảng nhiều sự lựa chọn. FDP hay đảng Xanh biết quá rõ việc không thể tiếp tục liên minh với một đảng uy tín sụt giảm mạnh như CDU/CSU. Họ muốn một sự thay đổi cho nước Đức. Chỉ trong hơn một tháng, ba đảng đã hoàn tất đàm phán về tất cả các lĩnh vực hợp tác cũng như các quan điểm chủ chốt, gói gọn trong một văn kiện dài 177 trang. Tân Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố "đèn giao thông đã được bật" để đưa nước Đức tiến về phía trước.


Thủ tướng Olaf Scholz (trái) trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Berlin, Đức, ngày 7/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể nói, nước Đức sẽ có rất nhiều việc phải làm và vô vàn thách thức cần vượt qua. Từ đại dịch COVID-19 cho tới phục hồi kinh tế, thúc đẩy số hóa và thực hiện các mục tiêu bảo vệ khí hậu hay các vấn đề an sinh. Về đối ngoại, chính phủ mới sẽ phải tăng cường hơn nữa sự gắn kết trong Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt với nước Pháp; củng cố vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, trong khi cũng tìm cách duy trì tối đa quan hệ với các nước lớn như Nga, Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá chính sách đối ngoại của chính phủ mới sẽ là sự tiếp nối chính sách của cựu Thủ tướng Merkel, song sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp trong bối cảnh mới. Đó sẽ vẫn là chính sách thực dụng, vừa hợp tác vừa đấu tranh, ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế và được vận hành trên cơ sở quan điểm và lợi ích chung của châu Âu.

Một liên minh ba đảng sẽ khó tránh được những gợn sóng, song mặt khác đây lại chính là động lực giúp nước Đức hoàn thiện hơn để tiến về phía trước. Các vấn đề không được nêu cụ thể hay nằm ngoài thỏa thuận liên minh được cho sẽ tạo ra những bất đồng và tranh cãi giữa các đảng, chẳng hạn như dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức. Tuy nhiên, dư luận rất kỳ vọng dưới sự dẫn dắt của chính trị gia lão luyện Olaf Scholz, nước Đức sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa về kinh tế, trong khi an sinh xã hội và môi trường được đảm bảo đúng như ưu tiên của ba đảng cầm quyền. Nước Đức cũng sẽ gánh vác trách nhiệm nhiều hơn nữa trong EU cũng như quốc tế, phù hợp với vị thế là quốc gia đầu tàu và nền kinh tế lớn nhất trong EU.

Theo TTXVN

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục