Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu từ ngày 4-7, nước này đã thử nghiệm khả năng tác chiến của các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph với các dòng máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động trong khu vực. Trước đó, trong năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành hoạt động tương tự và vấp phải sự phản đối của Mỹ. Washington có nhiều lý do để lo ngại trước động thái trên của Ankara.

S-400 vạch mặt “Chim ưng chiến” và ‘Tia chớp”

Căn cứ vào các thông tin được công khai, quá trình thử nghiệm S-400 được tiến hành tại căn cứ không quân Murted, ngoại vi Thủ đô Ankara với mục tiêu đối phó các đơn vị máy bay chiến đấu F-16V Fighting Falcon (Chim ưng chiến) và F-4 Phantom II (Bóng ma) của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Quá trình thử nghiệm kéo dài từ ngày 4-7 tới 26-11-2020. Đây là hoạt động giúp Thổ Nhĩ Kỳ có thể tích hợp các tổ hợp tên lửa phòng không do Nga chế tạo vào hệ thống phòng không đất nước. Điểm đáng chú ý là Ankara tiến hành thử nghiệm phớt lờ các cảnh báo trừng phạt từ Washington.


Các bài thử nghiệm đối đầu giữa tổ hợp S-400 và máy bay chiến đấu F-16V của Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận.

Dù các thông tin cụ thể về lần thử nghiệm này không được công bố, nhưng tương tự như lần thử nghiệm được tiến hành trong năm 2019, S-400 sẽ thực hành trinh sát, bám bắt và khóa các mục tiêu bay ở nhiều độ cao và khoảng cách khác nhau. Theo thông tin từ Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, đã ghi nhận nhiều chuyến bay của máy bay chiến đấu F-16 và các phương tiện bay khác ở nhiều độ cao khác nhau xung quanh căn cứ Murted.

Bình luận về hoạt động thử nghiệm trên của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov nhận định, S-400 không chỉ có khả năng đối phó với các mục tiêu bay thông thường, mà cả các dòng máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II của Mỹ cũng “nằm trong tầm ngắm”. Chuyên gia quân sự Nga cho rằng, hệ thống radar của S-400 tham gia thử nghiệm đã phát hiện ra máy bay F-35 hoạt động ở phạm vi 200km. Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã không chỉ thử nghiệm, mà đã đặt chế độ tác chiến thực sự đối với các tổ hợp S-400, đặc biệt là hệ thống radar.

“Trong hoạt động thử nghiệm, dù tên lửa đánh chặn không được phóng, nhưng tất cả các chế độ hoạt động tác chiến khác như: Trinh sát, theo dõi và khóa mục tiêu… đều được thực hiện. Các tham số này đã đủ để mô phỏng các nhiệm vụ đánh chặn thực sự”, chuyên gia Alexey Leonkov cho biết.

Theo lời Alexey Leonkov, khả năng tàng hình của máy bay chiến đấu Mỹ chỉ hiệu quả ở một số băng tần sóng radar nhất định và điều này gần như vô dụng trước các hệ thống radar mảng pha có khả năng biến tần như loại có trong trang bị tổ hợp tên lửa S-300, S-400 và Buk. Lợi thế duy nhất của máy bay tàng hình như F-35 trước S-400 là chúng có tín hiệu phản xạ thấp hơn nên tầm phát hiện cũng bị giới hạn gần hơn. Tuy nhiên, ở phạm vi 200-300km, S-400 cũng đã có đủ thời gian tung ra các đòn tấn công đánh chặn hiệu quả trước khi máy bay tiếp cận được khoảng cách tấn công hiệu quả. Trong các thử nghiệm của tổ hợp S-400 tại Trung Quốc, chúng đã chứng minh được khả năng bắn chặn các mục tiêu bay ở khoảng cách tối đa tới 400km.


Mỹ có lý do để lo lắng về khả năng lộ lọt thông tin kỹ-chiến thuật và tương lai xuất khẩu của máy bay F-35 tới khu vực Cận Đông, khi S-400 xuất hiện.

Mỹ có lý do để lo lắng về thử nghiệm S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong quá khứ từng ghi nhận nhiều lần đụng độ giữa vũ khí phòng không Liên Xô, Nga và máy bay chiến đấu của Mỹ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều thập kỷ trước. Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra tiền lệ mới giữa vũ khí phòng hiện đại bậc nhất của Nga là S-400 với các dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4/4+ F-16 Fighting Falcon và thế hệ 5 F-35 Lightning II. Dù không công khai, nhưng Mỹ đã từng phải giới hạn hoạt động của các máy bay tàng hình F-22 Raptor và F-35 Lightning II tại Syria do sự xuất hiện của các tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM và S-400 của Nga triển khai ở các căn cứ Tartus và Hmeymin. Bởi vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thử nghiệm S-400 rất có nguy cơ làm lộ lọt các thông tin về đặc điểm mẫu tín hiệu khi hoạt động của máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ.

Giới chức quân sự Mỹ cũng đánh giá rất cao khả năng phòng thủ của tổ hợp S-400 và coi sự phổ biến của dòng vũ khí phòng không hiện đại này sẽ khiến thị trường xuất khẩu máy bay F-35 bị thu hẹp. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai và tích hợp thành công tổ hợp S-400 vào hệ thống phòng không nội địa sẽ tạo tiền lệ cho các quốc gia Cận Đông mua sắm vũ khí phòng không của Nga, khi các tổ hợp tên lửa Patriot đắt tiền của Mỹ đã có những màn thể hiện không mấy ấn tượng ở Saudi Arabia, Israel.


Bất chấp những lời đe dọa trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp nhận và đưa vào trang bị các tổ hợp S-400.

Chính vì các lý do trên, Mỹ bằng nhiều cách khác nhau cố gắng ngăn cản việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu và đưa vào trang bị S-400, thậm chí là đe dọa trừng phạt. Washington từng dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa chung của NATO và áp dụng đạo luật Trừng phạt các quốc gia đối thủ (CAATSA), nếu Ankara cố tình đưa vào trang bị các tổ hợp S-400. Cũng vì S-400, hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liên quan tới máy bay F-35 đã bị hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, động thái cứng rắn của Mỹ không thể lay chuyển được quyết tâm sở hữu S-400 của Ankara.

Năm 2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD để bàn giao 4 tổ hợp S-400. Ngay sau đó, Mỹ đưa ra đề nghị cung cấp các tổ hợp Patriot cho Ankara trị giá 3,5 tỷ USD, nhưng Ankara không chấp thuận với lý do các điều kiện hợp đồng phía Mỹ đưa ra không hấp dẫn. Hai tổ hợp S-400 đầu tiên đã được chuyển giao ngay trong năm 2019 và chúng được đưa vào trang bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 4-2020.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục