TS.BS Dương Xuân Nhương, Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiêu hóa, Học viện Quân y cho biết, không phải người nào bị sỏi mật nào cũng có triệu chứng, chỉ cần đi khám sức khỏe định kỳ, dưới siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện sớm người mắc bệnh.

Sỏi mật là bệnh thường gặp. Theo thống kê của Mỹ,  trong nhóm người từ 40 tuổi  trở lên, 20% phụ nữ mắc sỏi mật, trong khi nam giới chỉ có khoảng 8%. Có  khoảng 1/3 số người trên 70 tuổi ở Mỹ bị các bệnh liên quan đến sỏi mật. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo một thống kê cho thấy, ở những người trên 50 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh thì tỷ lệ mắc sỏi mật là 6,3%.

Nhiều trường hợp sỏi mật không có triệu chứng

Theo TS.BS Dương Xuân Nhương, Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiêu hóa, Học viện Quân y, sỏi mật là sự hình thành sỏi và bùn trong đường mật và túi mật. Có rất nhiều cách phân loại nhưng cách phân loại phổ biến nhất là dựa vào vị trí của sỏi. Người ta chia thành sỏi đường mật trong gan và ngoài gan.

Sỏi đường mật ngoài gan lại được  chia thành sỏi đường mật chính nghĩa là sỏi ở ống gan phải, ống gan trái, ...và sỏi ở đường mật phụ ( nghĩa là sỏi được hình thành hoặc nằm trong túi mật).

Cách phân loại thứ 2 người ta dựa vào hình thái ( sỏi viên, sỏi bùn...), kích thước của sỏi ( to, vừa, nhỏ). TS.BS Dương Xuân Nhương cho rằng,  ngoài ra có thể chia các loại sỏi mật dựa vào thành phần hóa học của sỏi mật trong đó hay gặp sỏi cholesterol chiếm 50%, hình thành chủ yếu ở túi mật. Sỏi sắc tố ( sắc tố mật) chủ yếu là ở đường mật trong và ngoài gan. Loại sỏi này hay gặp ở nước ra, nguyên nhân chủ yếu là do giun chui ống mật. Sỏi thứ 3 là sỏi hỗn hợp ( tức là  vừa là sỏi sắc tố vừa là sỏi cholesterol) đây là loại sỏi  mật  cũng hay gặp ở nước ta.


S.BS Dương Xuân Nhương, Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiêu hóa, Học viện Quân y

Tuy nhiên không phải trường hợp nào bị sỏi mật cũng  có triệu chứng. TS Nhương chia sẻ, có những bệnh nhân không có dấu hiệu gì, phát hiện ra bệnh sỏi mật khi đi khám định kỳ.  Bởi chỉ cần siêu âm là bác sĩ  có thể phát hiện được bệnh.

Triệu chứng của sỏi mật phụ thuộc vào vị trí và kích thước của viên sỏi. Nếu  sỏi ở ống mật chủ, bệnh nhân sẽ có triệu chứng như đau, sốt rét, vàng da, một số ít trường hợp phát hiện muộn hoặc trên bệnh nhân cao tuổi còn có các biểu hiện như rối loạn tâm thần hay trụy tim mạch.

Đối với sỏi nằm ở  túi mật thì triệu chứng thường  ít hơn và khi đã xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn viêm túi mật. Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như đau hạ sườn phải, sốt kèm theo các rối loạn tiêu hóa, nôn.... Đây là lý do nhiều người thường bị  nhầm sỏi mật với các bệnh dạ dày, hay rối loạn tiêu hóa, TS Nhương cảnh báo.  Cần lưu ý rằng, cùng với các dấu hiệu trên, sốt chính là biểu hiện của tình trạng viêm nhiễm ở  đường mật, đó là do  vi khuẩn phát triển thì hình thành sỏi viêm nhiễm.

Lối sống – một trong những nguyên nhân gây sỏi mật

TS.BS Dương Xuân Nhương cho rằng,  nguyên nhân gây bệnh sỏi mật là do rối loạn chức năng vận động mật hay rối loạn chức năng của túi mật. Ngoài ra có một số yếu tố nguy cơ là người cao  tuổi, nữ giới, địa dư, chủng tộc, người bị thừa cân,  béo phì, mỡ máu....


TS. BS Vũ Thị Khánh Vân - Nguyên Trưởng khoa A9 – Viện Y học cổ truyền quân đội.

Sở dĩ người cao tuổi dễ mắc bệnh sỏi mật là do người già thường bị các rối loạn chuyển hóa, hay sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai hoặc liệu pháp estrogen liều cao, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao bị sỏi mật. Đối với người trẻ, trước đây  tỷ lệ mắc bệnh này thấp hơn rất nhiều so với  hiện nay, đó là do lối sống thay đổi, nhiều người hay sử dụng đồ  ăn nhanh, thực phẩm giàu đạm,  ít vận động, nên dễ mắc các bệnh chuyển hóa hơn.

TS. BS Vũ Thị Khánh Vân - Nguyên Trưởng khoa A9 – Viện Y học cổ truyền quân đội cho rằng, rất nhiều phụ nữ giảm cân bằng  cách nhịn ăn, đây  là nguyên nhân dẫn đến sỏi mật. Khi nhịn ăn,  sẽ phá vỡ sự cân bằng của các thành phần có trong dịch mật. Ngoài ra, khi không ăn, mật sẽ không co bóp để tiết  mật, từ đó dịch mật bị ứ trệ, tạo điều kiện để cholesterol lắng đọng và kết tụ thành sỏi mật.

Không phải sỏi mật nào cũng phải phẫu thuật

TS Nhương cho hay, nhiều người cho rằng, khi mắc sỏi mật sẽ phải phẫu thuật. Thực tế là tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp, không phải sỏi mật nào cũng phải phẫu thuật.

Khi chưa có triệu chứng hoặc biến chứng, bệnh nhân có thể “chung sống hòa bình” với sỏi mật. Ngược lại, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị sỏi mật, kinh điển nhất là phẫu thuật mở lấy sỏi. Đây là phương pháp triệt để nhưng  có nhược điểm là phẫu thuật khá lớn, chăm sóc mổ tốn kém và vẫn có thể tái phát.

Bên cạnh đó, còn có phương pháp phẫu thuật nội soi, tán sỏi, mổ nội soi mật tụy ngược dòng hay  tán sỏi laze. Ngoài ra còn có thể  điều trị nội khoa, dùng kháng sinh phối hợp với thuốc tán cơ trơn. Nhưng đối với sỏi sắc tố thì không có tác dụng, trong trường hợp này, người bệnh có thể dùng thuốc đông y, các loại thảo dược  rất hiệu quả.

TS Khánh Vân cho rằng,  sỏi mật là căn bệnh dễ tái phát, nên người đã từng mắc bệnh hoặc người có nguy cơ cao nên có chế độ ăn cân bằng, tránh thừa cân, béo phì, hạn chế các loại thịt giàu đạm, tăng chất xơ, rau, củ quả... cần ăn nguyên miếng. Lý do, chất xơ làm chậm hấp thu của cholesterol, có lợi cho đường tiêu hóa, vitamin trong rau củ giúp tăng cường miễn dịch. Bên cạnh đó, để phòng sỏi mật, không nên bỏ bữa hoặc nhịn ăn, nên uống đủ nước để thải độc. Cần giữ gìn vệ sinh ăn uống, tẩy giun định kỳ.

Ngoài ra khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Đối với những bệnh nhân đã từng mổ sỏi mật nên định kỳ  3 tháng kiểm tra sức khỏe 1 lần để phát hiện sớm  tái phát bệnh, TS Vân khuyên.

SK&DS
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục