Mặc dù số người nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng, một chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/2 cho biết đã có những tín hiệu cho thấy mối lo ngại dịch lan rộng ở các nước bên ngoài Trung Quốc không đến mức là “bề nổi của tảng băng chìm” như người ta vẫn e ngại.

 


Nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới (COVID-19) tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 10/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, bác sĩ Michael Ryan, Giám đốc chương trình Y tế khẩn cấp của WHO phát biểu rằng ông không nhận thấy dịch lan nhanh bên ngoài Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các tổ chức liên quan không nên đưa ra các nhận định vội vã. 

Bác sĩ Ryan cũng cho biết, số liệu mới nhất về dịch bệnh phản ánh sự tăng vọt số ca nhiễm bởi có sự thay đổi trong cách chẩn đoán và báo cáo của Chính phủ Trung Quốc.

Hiện ở riêng tỉnh Hồ Bắc, các chuyên gia y tế được phép xếp những ca nghi nhiễm dịch COVID-19 thành ca nhiễm có qua chẩn đoán lâm sàng sau khi có kết quả chụp hình ảnh phổi mà không cần phải kiểm chứng qua phòng thí nghiệm nữa, WHO cho biết. Với cách làm này, các bác sĩ có thể đưa ra báo cáo nhanh hơn và người bệnh được trợ giúp nhanh hơn, đồng thời cơ quan y tế cũng có thể đưa ra các biện pháp mới nhanh hơn. 

Cùng ngày 13/2, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo dịch dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) là nguy cơ đối với kinh tế, song cho rằng tác động toàn diện của dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài dịch bệnh cũng như quy mô lây nhiễm của virus này.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn Báo Thương mại (Handelsblatt) của Đức cho biết, trong Dự báo Kinh tế mùa Đông, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra giả định ban đầu là dịch đạt đỉnh trong quý I/2020 với quy mô lây lan toàn cầu ở mức tương đối hạn chế. Dịch càng kéo dài, nguy cơ xảy ra "phản ứng dây chuyền" sẽ càng cao khi sự lạc quan của giới doanh nghiệp bị giảm sút đồng thời với việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn trên toàn cầu.

Dựa trên giả định này, EC nhận định tăng trưởng khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ ổn định ở mức 1,2% trong năm nay và năm tới, trong khi với 27 nước EU, mức tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2021 dự kiến sẽ giảm xuống 1,4% từ mức 1,5% của năm 2019. 

Với Đức, báo cáo của EC nhận định nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ đạt mức tăng trưởng 1,1% trong năm 2020 và 2021, thấp hơn mức trung bình của EU, trong khi mức tăng trưởng của Italy sẽ chỉ đạt 0,3% trong năm nay và 0,6% trong năm tới.

Theo Ủy viên phụ trách kinh tế và tiền tệ của EU, ông Cameron Gentiloni, đây chỉ là những giả định, không phải là dự báo, đồng thời cho rằng còn quá sớm để đánh giá những tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng với vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, một cuộc khủng hoảng xảy ra sẽ có những tác động tiêu cực.

Theo vị cựu Thủ tướng Italy này, không thể so sánh mức tác động của dịch hiện nay với dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003, bởi thời điểm đó, Trung Quốc mới chỉ có đóng góp 4,5% sản lượng kinh tế toàn cầu, nhưng hiện nay mức đóng góp của Trung Quốc đã lên tới 17,7%. Trong khi đó, chi phí đi lại của cư dân Trung Quốc đại lục hiện cũng chiếm tới 18% mức chi phí đi lại trên toàn thế giới. 

Cũng theo ông Gentiloni, triển vọng kinh tế khu vực eurozone còn phụ thuộc vào quan hệ tương lai không chắc chắn giữa Anh và EU. Bên cạnh đó còn có nguy cơ xảy ra xung đột thương mại, thuế quan giữa Mỹ và châu Âu.

TTXVN
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục