Ngày 18/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; toàn ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả.

Riêng về vấn đề phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt là sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng), nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng. Thực hiện các giải pháp tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, triển khai tiêm chủng lưu động.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền 4 nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018; riêng sốt xuất huyết theo chu kỳ nên số mắc, số chết tăng so với cùng kỳ; số mắc tay chân miệng tăng 0,5%.


PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Ý thức phòng bệnh còn hạn chế

Theo PGS.TS Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mùa đông xuân và những tháng cuối năm là thời điểm dễ lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A/H7N9, Mers-CoV... Các bệnh lưu hành tăng cao tại nhiều khu vực, đặc biệt tại châu Á – Thái Bình Dương. Các bệnh nguy hiểm mới nổi tiếp tục ghi nhận tại châu Phi, châu Á và Trung Đông.

Chuyên gia y tế dự phòng cũng lo ngại, một số bệnh giảm sâu, nhưng vẫn xuất hiện các trường hợp mắc rải rác, các ổ dịch tản phát: sốt rét, sởi, tay chân miệng. Một số bệnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao như sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Riêng về bệnh SXH, PGS. Tấn cho biết, hiện nước ta có 250.000 ca mắc, 49 ca tử vong. Tại nhiều quốc gia ghi nhận số mắc hàng tuần liên tục tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với số mắc hàng tuần ghi nhận vẫn ở mức cao.


Người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh. Ảnh minh họa.

Cũng theo ông Tấn, bệnh SXH liên quan nhiều đến biến đổi khí hậu, ổ bọ gậy nguồn không được dọn dẹp. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm, chưa quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh...

Để phòng bệnh SXH, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019-2020 sẽ chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa đông xuân và mùa lễ hội. Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền, các bộ ban ngành đoàn thể.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả.
Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt 95% quy mô xã, phường. Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị hạn chế thấp nhất tử vong.
Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh. Tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị. Đảm bảo hậu cần cho công tác phòng chống dịch.

SK&ĐS
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục