Những bông hoa trên khắp nẻo đường Tổ quốc
Cập nhật ngày: 20/11/2019 14:29 (GMT +7)

Nếu ai đã từng ngược lên vùng núi phía Bắc, xuôi về miền Trung, đi giữa nắng gió Tây Nguyên hay đến tận những vùng biên viễn phía Nam của Tổ quốc, chắc hẳn sẽ gặp không ít những con người luôn sẵn sàng cống hiến cả tuổi trẻ và sức lực của mình vì những học trò thân yêu. Họ là những giáo viên tình nguyện bám bản, đi đến những vùng sâu, chỉ với ước mong mang cái chữ về với quê hương nghèo khó của mình, giúp cuộc sống người dân nơi đây tốt đẹp hơn.

Đắp xây những hoài bão

Mỗi vùng đất là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng có lẽ tuổi thơ của các thầy, các cô đã gắn liền với nghèo khó, nên hơn ai hết, họ hiểu chỉ có cái chữ mới giúp cuộc sống của các em đổi thay.

Là một người con của đồng bào dân tộc Mông, những tháng ngày sống du canh du cư đói nghèo, bố mẹ không có công ăn việc làm ổn định, thầy La Văn Quân, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn rất thấu hiểu cuộc sống bấp bênh. Nhớ về những năm học lớp 12, thầy Quân kể: “Nhiều lần tôi nói với bố học xong lớp 12, có bằng tốt nghiệp THPT rồi con sẽ đi học nghề và lần nào câu trả lời của bố cũng là “chỉ cần con muốn học tiếp thì bố mẹ dù làm thuê mướn vất vả cũng sẽ cố gắng để nuôi con ăn học”. Chính sự ủng hộ của bố mẹ đã trở thành động lực giúp Quân đạt được ước mơ.


Thầy giáo trẻ La Văn Quân với hoài bão xây đắp ước mơ cho các học trò.

Với hơn 7 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống của các em học sinh, đặc biệt trước những ước mơ, hoài bão tốt đẹp mà các em hướng tới, càng làm thầy Quân yêu nghề hơn và cố gắng học hỏi nhiều hơn để thực hiện được ước mơ của mình mang lại kiến thức cho các em, giúp các em mai này có thể làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi cảnh đói, nghèo đã đeo bám gia đình, thôn quê nhiều đời nay.

Công tác tại một trường với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó khoảng 60% là học sinh dân tộc Mông, lại là giáo viên dân tộc duy nhất có thể nói được tiếng Mông, tiếng Tày và tiếng Dao, thầy Quân tận dụng thế mạnh, tích cực giao lưu với học sinh, tìm hiểu nguyên nhân học sinh nghỉ học, vận động cha mẹ các em cho các em ra lớp học tập. Chính vì lẽ đó, công tác tuyển sinh đầu cấp của nhà trường luôn đạt 100% và nhiều học sinh đã tốt nghiệp THCS, THPT, đi học nghề hoặc tham gia học các trường chuyên nghiệp, với những ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp.

Ở một nơi cách thầy Quân hơn 500km, cô Lê Thị Thắm, giáo viên Trường Mầm non Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh cũng nuôi những ước mơ, hoài bão từ tuổi thơ gắn liền với sự khó khăn. Bố mẹ cô vì mưu sinh mà vào sống ở bản Phú Lâm - nơi cô tình nguyện cắm bản. Chính vì lẽ đó, từ khi sinh ra, cô Thắm đã quen với cảnh đường đèo, nước suối, bỏ bữa, bỏ học…vì hôm nay nước lớn quá thuyền không thể qua sông!

Cô kể, năm 18 tuổi, khi cô còn đang băn khoăn về hướng đi cho tương lai thì nhìn thấy các em nhỏ đang chơi đùa trong ngôi trường mái lá ở bản, cô đã tự nhủ sẽ theo lời cha, trở về quê hương làm một điều gì đó để “ươm mầm” cho các em ấy. Bởi vậy, có thể hiểu vì sao, sau 9 năm công tác và lập gia đình ở miền xuôi, cô đã không ngần ngại nộp đơn tình nguyện cắm bản.


Cô Lê Thị Thắm (áo nâu) ngày ngày cần mẫn chăm sóc học trò.

Từ ngày cô Thắm nhận công tác ở bản, cả gia đình cô phải dậy rất sớm, và chồng cô phải thay cô đưa con đến trường. “Hôm nay trời lại mưa to quá! Con sợ mẹ đi lại ướt hết như hôm trước phải không mẹ”. Đó là câu nói lo lắng mà con trai hỏi tôi suốt cả mùa mưa. Để vượt qua hơn 20km đường đèo đến với bọn trẻ, tôi đi làm từ rất sớm, những hôm mưa to, đường trơn dốc hay gió Lào thổi mạnh, cây đổ, đá chèn lối đi, tôi chỉ muốn bỏ lại xe bên đường để men theo suối mà đi”, cô Thắm nhớ lại.

Chưa từng hối hận về lựa chọn của mình nhưng điều cô luôn trăn trở chính là sự thiếu thốn của các em nhỏ. Nhìn những đứa trẻ thiếu áo rét, người gầy ốm, cô lại cố gắng dậy sớm hơn để đi chợ, vừa tranh thủ dạy vừa kiêm luôn nấu cơm cho các cháu. Cô trò thường tự làm đồ chơi, tự tổ chức các buổi học, thậm chí cả các buổi học ngoại khóa cho các em. Nhiều hôm các con ốm, cô cũng tự mình đưa đến y tế thôn bản, bởi cô hiểu bố mẹ các em nghèo lắm, quanh năm với nương rẫy, ruộng đồng nên các em thật sự rất thiệt thòi.

Những hy sinh thầm lặng

15 năm đứng lớp là 15 năm cô Trần Thị Thúy Ngân, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, Krong, Kbang, Gia Lai phải hy sinh và nỗ lực hết mình vượt lên chính hoàn cảnh gia đình để đi dạy ở một vùng núi xa xôi, heo hút.

Bao năm đã trôi qua nhưng cô Ngân vẫn không thể quên cảm giác tủi thân khi ngày đầu đến nhận trường. Sự hồ hởi của một cô sinh viên mới ra trường được thay bằng cuộc chiến đường đến trường với đi bộ, lội sông cả tiếng đồng hồ. Và bất ngờ hơn khi bỏ bao công sức lên tới trường, cô lại nhận được sự hờ hững của người dân nơi đây. Họ không quan tâm đến việc học của mình, không muốn đưa con đến trường. Cô càng thấy lạc lõng hơn nữa khi không ai hiểu mình nói gì, còn cô cũng không hiểu họ nói gì...

Giờ đây, những khó khăn đó đã qua đi bởi nỗ lực học tiếng địa phương đã giúp cô  hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ. Cô dần trở thành một thành viên trong cộng đồng của họ. Cũng vì thế mà cuộc vận động học sinh đến lớp bỗng trở nên dễ hơn rất nhiều.

Nhưng cuộc sống vẫn luôn là những thử thách, hai vợ chồng chạy chữa khắp nơi mà đến nay vẫn chưa có một mụn con, bản thân cô Ngân mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo U tuyến thượng thận. Gánh vác gia đình cũng không thể nhờ người chồng vì anh cũng mắc bệnh trầm cảm và đang chữa trị.

“Tuy cuộc sống gia đình tôi không được hoàn hảo như những gia đình khác, song không vì lẽ đó mà tôi không cố gắng”, cô Ngân chia sẻ.

Gác lại những lo toan gia đình, ngày ngày cô Ngân vẫn cùng đồng nghiệp học hỏi, trau dồi kiến thức để tìm cách đổi mới phương pháp dạy học, đưa tri thức đến với vùng đất nghèo khó nơi cô đang sinh sống.


Thầy Nguyễn Phúc Sinh gắn bó cuộc sống với những đứa trẻ vùng biên.

Còn câu chuyện của thầy Nguyễn Phúc Sinh, giáo viên Trường Tiểu học “D” An Cư, thuộc xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thì số giờ lên lớp cũng gần như bằng với số giờ ra đồng tìm kiếm học sinh. Bởi ở các vùng đất biên giới này, 90 % học sinh là người dân tộc Khmer, đến mùa các em thường xuyên phải ra đồng phụ giúp ba mẹ. Nhiều em bố mẹ đi làm xa, ở nhà với ông bà, thầy Sinh thi thoảng lại hỗ trợ tiền cho các em đi cắt tóc. Thầy cũng vận động các mạnh thường quân tặng quần áo cho các em đi học... đáp lại những tình cảm đó của thầy là những đòn bánh tét hay đôi ba quả dưa hấu, những món quà cũng mộc mạc như vùng dân tộc Khmer.

Trong cuộc sống, hay trong công việc dù khó khăn đến đâu họ-những bông hoa vẫn luôn tỏa hương, cháy hết mình để làm đẹp cho đời. Họ hiểu rõ trách nhiệm thiêng liêng và cao đẹp của nghề nhà giáo, người ươm mầm cho đất nước ngày càng tươi đẹp.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục