Thắm tình đồng đội, thêm yêu đơn vị
Cập nhật ngày: 21/03/2018 22:02 (GMT +7)

Năm 2018, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 được giao huấn luyện 804 chiến sĩ mới, đến từ 17 huyện thuộc 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên. Để chiến sĩ mới yên tâm công tác, ngay từ những ngày đầu, đơn vị đã tiến hành đồng bộ nhiều hoạt động CTĐ, CTCT trong đó tăng cường giao lưu giữa cán bộ, chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới góp phần thắt chặt tình cán binh.


Cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong đêm giao lưu.

Trước giờ diễn ra đêm giao lưu cán bộ, chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, chiến sĩ Trương Văn Sự, quê ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng tranh thủ cùng đồng đội luyện tập tiết mục văn nghệ khá đặc sắc. Mới tuần đầu nhập ngũ, mọi thứ còn bỡ ngỡ nhưng được sự động viên của đồng đội, tin tưởng của chỉ huy đơn vị lựa chọn Sự tham gia câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc, Sự háo hức lắm. Trò chuyện với chúng tôi, không giấu niềm vui, Sự cho biết: Khi chưa vào bộ đội, tôi có nghe nhiều câu chuyện kể về đời sống quân ngũ, nhất là 3 tháng huấn luyện tân binh rất vất vả, ban đầu tôi băn khoăn và có phần sợ vì không biết mình có vượt qua được không. Thực tế dù chưa đầy chục ngày về đơn vị, tôi thấy cuộc sống thoải mái, ở đây mọi người coi nhau như anh em cùng nhau chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Tối nay chúng tôi được giao lưu với cán bộ và các đồng chí đi trước, tổ nhạc cụ dân tộc sẽ biểu diễn 1 tiết mục sáo trúc phục vụ anh em. Được mang lời ca, tiếng hát và những thanh âm trong trẻo đến với đồng đội chúng tôi thực sự rất vui.

Trong không gian ấm áp tình cán binh, đêm giao lưu lôi cuốn đông đảo cán bộ, chiến sĩ, ai cũng hào hứng với các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Tham gia giao lưu chiến sĩ mới có dịp được bộc lộ tình cảm, chia sẻ những khó khăn gặp phải trong những ngày đầu quân ngũ. Chiến sĩ Nông Văn Tân, Trung đội 5, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 chia sẻ: Qua giao lưu tôi hiểu được vì sao chiến sĩ không được sử dụng điện thoại, không được uống rượu bia, sáng dậy phải sắp đặt nội vụ gọn gàng… khi chưa hiểu mà phải thực hiện cảm thấy khó chịu, nhưng thực hiện quen rồi thì thoải mái.

Có lẽ người hạnh phúc nhất trong đêm giao lưu chính là chiến sĩ Nông Văn Tân, vì có mẹ lên thăm. Sau giây phút bồi hồi, cô Nông Thị Vinh, mẹ chiến sĩ Nông Văn Tân, vui vẻ cho biết: Được chỉ huy Tiểu đoàn 3 báo trước và mời lên dự giao lưu, vượt quãng đường gần 50km, từ huyện Định Hóa (Thái Nguyên) xuống Phú Lương thăm con, tôi thực sự vui khi thấy con mình cùng đồng đội chững chạc, rắn rỏi hơn rất nhiều. Đơn vị thì sạch, đẹp như công viên, nơi ăn ở của các con ngăn nắp, gọn gàng, tôi tin rằng không chỉ riêng tôi mà các bậc cha mẹ khi đến thăm con đều yên tâm khi gửi gắm con, cháu mình vào đơn vị huấn luyện.
Có mặt từ sớm theo dõi và động viên bộ đội, cùng giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Thượng tá Nguyễn Công Đoàn, Chính ủy Trung đoàn, chia sẻ: Ngay những ngày đầu chiến sĩ mới nhập ngũ, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã chỉ đạo các cơ quan và đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng của bộ đội. Tổ chức giáo dục ngoại khóa, tham quan nhà truyền thống, giáo dục về truyền thống của quân đội, quân khu, sư đoàn và đơn vị; tổ chức viết thư gửi về gia đình, để kết hợp cùng với gia đình và đơn vị giáo dục, động viên chiến sĩ mới phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời thành lập các tổ văn hóa, văn nghệ xung kích, ra mắt câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc. Tổ chức giao lưu với chủ đề thắm tình đồng đội giữa cán bộ, chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, thực hiện nghe chiến sĩ nói và nói chiến sĩ hiểu, xóa tan những thắc thắc, hoài nghi, giúp chiến sĩ mới yên tâm công tác.

Đêm giao lưu đã khép lại, nhưng dư âm còn mãi trong ký ức của những chiến sĩ mới. Thông qua giao lưu tạo được sự gần gũi, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ, chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong đơn vị. Đây cũng chính là hành trang cùng mỗi chiến sĩ trên chặng đường tiếp theo.  

Bài và ảnh: CHÍ DŨNG

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục