"Nét đẹp" nữ quân nhân
Cập nhật ngày: 17/10/2023 10:45 (GMT +7)

Ở môi trường đầy tính kỷ luật, họ là những phụ nữ luôn chỉnh tề theo điều lệnh, điều lệ Quân đội; nhưng, trong các nữ quân nhân hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng vẫn được khắc họa rõ nét, đầy tự tin trong sắc xanh áo lính.

Đến cơ quan Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn, xen lẫn giữa những nam quân nhân, hình ảnh các “bóng hồng” trong sắc xanh áo lính như nét chấm phá tạo nên sự mềm mại. Tác phong chỉnh tề, song các nữ quân nhân vẫn toát lên sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam; cuộc sống binh nghiệp trui rèn cho họ ý chí kiên cường, sự rắn rỏi nhưng không vì thế mà làm “mờ” đi sự dịu dàng vốn có. Ở chị em, mỗi người đến với đời binh nghiệp với một lý do riêng, song có một điểm chung ở họ đó là tình yêu cháy bỏng với màu xanh áo lính. Vì màu áo ấy, họ viết đơn xin tình nguyện đi bộ đội khi tuổi đời còn rất trẻ. 


Các nữ quân nhân khối cơ quan Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn luyện tập điều lệnh. 

Với Thiếu tá QNCN Bàn Thị Lạng, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, cô “phóng viên” áo lính ấy có lẽ 3 tháng thao trường của đời lính sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí. Ngày ấy, cách đây đã hơn 15 năm, chị vẫn nhớ như in: “Là con gái, những ngày đầu quân ngũ, ai nấy đều khóc như mưa và bỏ cơm vì nhớ nhà! Nhưng đến khi bắt đầu tập luyện thì ai cũng hăng say. Dần dần, các nữ chiến sĩ cũng quen với những vất vả, mệt nhọc của chương trình huấn luyện. Tối đến, ai nấy đều sắp xếp ba lô, quân tư trang hết sức gọn gàng, khoa học để có lệnh báo động là phải ra được vị trí tập trung nhanh nhất, có nhiều chị em, khi đi ngủ còn không dám cởi giầy ra khỏi chân…” Nghe Thiếu tá Bàn Thị Lạng hồi tưởng lại những ngày tháng đến với quân ngũ, chúng tôi hiểu rõ sự vất vả mà các nữ quân nhân nếm trải trên thao trường. Dường như những tháng ngày gian khổ ấy đã tạo thêm cho họ nghị lực, sự rắn rỏi và can trường. Thế nhưng, theo chị Lạng: “Tất cả những phụ nữ đang công tác ở đây, ai vào lính cũng đều có những tháng ngày như vậy anh ạ”. Được biết, dù không được đào tạo chuyên môn, nhưng nhờ sự ham học hỏi Bàn Thị Lạng không chỉ sử dụng thành thạo các loại máy ảnh, máy quay phim mà chị đã có hàng trăm tin, bài, phóng sự đăng tải trên báo, truyền hình Quân đội, Quân khu và tỉnh. 

Với thiếu úy QNCN Nông Thị Khánh Ly, cô gái dân tộc Tày với ánh mắt biết nói thì con đường đưa em đến môi trường quân đội được hun đắp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; Ly tâm sự: “Gia đình em có bố, ông và bác đều tham gia quân ngũ, những câu chuyện mà ông và bố kể về quân ngũ làm em yêu màu xanh áo lính; em lớn khôn trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình và có sự ảnh hưởng lớn từ tính cương trực, dứt khoát mà tràn đầy tình thương của bố em, một người lính Cụ Hồ”. Quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành chiến sĩ mang trên mình màu xanh áo lính, cho nên sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh hệ dân sự, dù đã có được công việc và thu nhập ổn định nhưng năm 2020 Ly đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, Ly được điều về công tác tại Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh; với vốn kiến thức đã có và đức tính ham học hỏi Ly trở thành cây bút nhiều triển vọng với hàng trăm tin, bài được đăng trên các báo. Công việc của Nông Thị Khánh Ly và Bàn Thị Lạng đã góp phần không nhỏ tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. 

Tổng đài thông tin sóng ngắn, dù không rộng lớn nhưng máy móc, thiết bị luôn được bố trí rất gọn gàng, ngăn nắp và khoa học. Để có được điều này, không thể thiếu bàn tay của những nữ nhân viên thông tin như Đại úy QNCN Đặng Thị Hè và Thiếu tá QNCN Lý Thị Ngôn, Lê Thị Tình… các nhân viên tổng đài sóng ngắn luôn khắc phục mọi khó khăn đảm bảo cho “mạch máu” thông tin thông suốt. Còn Hoàng Thị Hiển, nữ Trung úy QNCN, nhân viên bảo mật có khuôn mặt trái xoan luôn trực sẵn nụ cười trên môi đã dẫn dắt chúng tôi đến với biết bao kỷ niệm đời binh nghiệp qua dòng ký ức. Cũng giống như chị Hè, chị Tình hay chị Lạng, từ nhỏ Hiển đã hiểu rõ về người lính qua lời kể của cha mẹ và rất thích hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Chính vì thế, khi Hiển viết đơn xung phong nhập ngũ, dù cha mẹ ngại ngần vì sợ con gái khổ nhưng đêm tiễn con lên đường, mẹ Hiển ôm chặt con gái vào lòng dặn dò: “Môi trường quân đội ắt sẽ rèn giũa con người trưởng thành, con gái mẹ luôn phải cố gắng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó”, lời dặn của mẹ luôn thôi thúc trái tim nhiệt huyết của chị, trải qua gần 10 năm trong quân đội, Hiển đúc kết: “Cuộc sống và kỷ luật quân đội đã giúp tôi lớn hơn, trưởng thành hơn”…

Đời quân ngũ vất vả như thế nhưng những “bóng hồng” trong LLVT mà chúng tôi gặp luôn cháy bỏng tình yêu với con đường mà mình đã chọn. Họ khẳng định, nếu được chọn lại, vẫn một lòng đi theo “khúc quân hành”. Trung tá QNCN Nông Thị Hiếu, nhân viên Ban Quân lực chia sẻ: “Để phấn đấu theo con đường binh nghiệp, chúng tôi phải kiên định và có tình yêu thực sự. Nhiều người hỏi tại sao phụ nữ lại theo con đường binh nghiệp cho vất vả, tôi chỉ biết... cười và nói rằng mỗi nghề có một niềm vui riêng. Tôi tự hào là một quân nhân và mong mỏi khi con cái trưởng thành, sẽ tiếp nối con đường của mình”. Được biết, con gái chị Hiếu cũng theo nghiệp mẹ và mang cấp hàm Trung úy QNCN, hiện là nữ y tá. 

Sự hiện diện của các nữ quân nhân làm phong phú đời sống tinh thần trong môi trường quân ngũ, các chị cũng là niềm tự hào của các nam quân nhân như lời Đại tá Hứa Chiến Thắng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn: “Các nữ quân nhân đã góp một phần không nhỏ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trong môi trường khô cứng, kỷ luật, chị em đã làm cho bầu không khí đơn vị thêm tươi vui, làm cho nhiệm vụ, công việc của người lính trở nên mềm mại”.

Đỗ Kim Tập

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục