Háo hức được làm “chiến sĩ nhí”
Cập nhật ngày: 01/07/2024 07:33 (GMT +7)

Tham gia lớp “Học kỳ trong Quân đội” do Sư đoàn 3 phối hợp cùng Tỉnh đoàn Lạng Sơn, Huyện đoàn Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) tổ chức, gần 250 thanh, thiếu nhi từ 10 đến 17 tuổi đã được trải nghiệm làm “chiến sĩ nhí”, được giáo dục lòng yêu nước, tình yêu thương bạn bè, giúp đỡ lẫn nhau; đồng thời khóa học giúp các em có sân chơi lành mạnh, bổ ích và nhiều hoạt động ý nghĩa trong dịp hè.

Trong cái nắng hè gay gắt của những ngày giữa tháng Sáu, cô bé Dương Vân Nga, (SN 2013, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) tạm biệt bố mẹ, vai khoác ba lô, áo quần chỉnh tề, háo hức “lên đường nhập ngũ” tại Trung đoàn 141, Sư đoàn 3. Là học viên nhỏ nhất trong đại đội cả về độ tuổi, chiều cao và cân nặng, song khi được các chú bộ đội giới thiệu, hướng dẫn gấp chăn màn, quần áo, để giày, dép, phơi khăn mặt đúng trật tự nội vụ, Nga đã thực hiện nhanh chóng và chính xác. Ngay tối ấy, Nga được trung đội trưởng biểu dương khiến cô bé rất vui và phấn khởi.


Cán bộ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 hướng dẫn các “chiến sĩ nhí” gấp chăn màn.

Thượng tá Hoàng Quốc Tuấn, Phó chính ủy Sư đoàn 3 cho biết: Lớp “Học kỳ trong Quân đội” được chia làm hai đại đội, trong đó “Đại đội Thép đã tôi thế đấy” gồm các em do Tỉnh đoàn Lạng Sơn phụ trách, còn “Đại đội Đi để rèn luyện, đi để trưởng thành” là các em của Huyện đoàn Lục Nam. Nội dung chương trình được xây dựng bài bản, trong đó 40% là giáo dục về quân đội, 40% là kỹ năng sống và 20% là các hoạt động ngoại khóa. Với mục tiêu sau 7-10 ngày, trải nghiệm trong môi trường quân đội, được trở thành những chiến sĩ thực thụ, được học tập, rèn luyện với những kỷ luật “thép”, giúp “chiến sĩ nhí” trưởng thành, vững vàng hơn trong cuộc sống. 

Theo đó, các “chiến sĩ nhí” được học tập các nội dung như: Giáo dục về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, huấn luyện quân sự cơ bản và điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định; hành quân dã ngoại, kỹ năng mắc tăng võng, rèn luyện các kỹ năng đi rừng, sử dụng địa bàn, bản đồ, nhận biết phương hướng, đào bếp Hoàng Cầm, chống rắn cắn, côn trùng đốt, kỹ thuật băng bó cấp cứu; kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống xâm hại và bạo lực học đường; sơ cứu tai nạn thương tích; xử lý tình huống cháy nổ, kỹ năng tự vệ, thoát hiểm; phòng, tránh đuối nước, bơi tự cứu; cách cứu đuối, sơ cấp cứu tai nạn thương tích, tai nạn giao thông. Cùng đó, các em được tham gia viết nhật ký, viết thư cho gia đình, các hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường, dân vũ, sân chơi an toàn giao thông, tham gia đêm gala giao lưu văn nghệ, lửa trại…


Các em học sinh tham gia lớp “Học kỳ trong Quân đội“ tại Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 học kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.

Đồng hành cùng các em trong những ngày tham gia chương trình, đồng chí Đoàn Thị Điểm, Phó trưởng phòng Kỹ năng nghiệp vụ Cung thanh thiếu nhi Lạng Sơn, Tổng điều phối lớp “Học kỳ trong Quân đội” chia sẻ: Ban đầu, từ cảm giác bỡ ngỡ, bị gò ép vào khuôn khổ, dần dần các “chiến sĩ nhí” đã hình thành ý thức tự giác trong mọi hoạt động rèn luyện và sinh hoạt, các em đã được trải nghiệm, làm quen và biết về cuộc sống của các chú bộ đội, đã học được rất nhiều điều, nhất là tính kỷ luật, gọn gàng, ngăn nắp, giờ nào, việc nấy. 

Do đã quen với cuộc sống có đủ tiện nghi, nên bước đầu nhiều em còn vụng về, lóng ngóng trong thực hiện các chế độ, nền nếp. Nhưng sau khi được hướng dẫn, động viên, các em đã chủ động và tự giác thực hiện sinh hoạt cá nhân một cách khá thuần thục. Không chỉ vậy, nhờ được rèn luyện, giáo dục trong môi trường lành mạnh, không máy tính, điện thoại hay các trò chơi điện tử, các em đã có nhiều thời gian để giao tiếp, tâm sự, chia sẻ với nhau, từ đó tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các “chiến sĩ nhí”; nhiều em đã trưởng thành, tự tin, chững chạc, chín chắn hơn; có tinh thần tập thể, sống tự lập, có trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội.


Cán bộ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 hướng dẫn bài thể dục sáng cho các "Chiến sĩ nhí".


Cậu bé Lê Gia Linh, (SN 2012, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) rất hứng thú với 2 bài thể dục sáng, 16 động tác võ thể dục, 35 thế liên quyền và các tư thế vận động cơ bản trên chiến trường, Linh chia sẻ: “Mấy ngày đầu đến đơn vị, mọi thứ đều xa lạ, em cảm thấy buồn chán và muốn về nhà, sau đó được các chú bộ đội hướng dẫn, chỉ bảo từ lễ tiết tác phong, luyện tập các động tác điều lệnh thì em quen dần và thấy thích. Em thấy rất vui khi được giao tiếp với nhiều bạn, được các anh, chị lớn tuổi hơn giúp đỡ, chia sẻ trong cuộc sống”. Còn Trương Thục Quyên (SN 2013, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đây là lần thứ hai cô bé tham gia lớp “Học kỳ trong Quân đội” tại Sư đoàn 3, Quyên bẽn lẽn kể: Năm ngoái, ngay ngày đầu tiên ở đơn vị em đã khóc vì nhớ bố mẹ, nhưng sau quen dần thì thấy rất vui. Vì thế, năm nay em lại xin bố mẹ đăng ký đi tiếp, em đã học được tính kỷ luật, tính tự lập, tinh thần đoàn kết và tự tin hòa nhập với các hoạt động tập thể. Khi về nhà, em sẽ cố gắng dậy sớm để tập thể dục, sắp xếp chăn màn gọn gàng.

Trực tiếp hướng dẫn các em, Thượng úy Nguyễn Công Hiệp, Phó đại đội trưởng Đại đội 14, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 chia sẻ: Tuy còn nhỏ nhưng các em đã có ý thức rèn luyện và nỗ lực hoàn thành những nội dung chương trình. Các em đặc biệt quan tâm đến những nội dung quân sự và thực hành công tác nội vụ. Qua những buổi học, trải nghiệm tại đơn vị giúp các em biết đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống khi xa gia đình, người thân. 

Đồng chí Đoàn Huyền Hà, Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn Lục Nam cho biết: Công tác chuẩn bị giữa huyện đoàn và Sư đoàn 3 cho lớp “Học kỳ trong Quân đội” hằng năm rất công phu, kỹ lưỡng. Nội dung thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu giáo dục hiện tại để tác động đến sự thay đổi tích cực của các em, vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, vừa học tập, vừa hoàn thiện bản thân. Có thể khẳng định, 100% chiến sĩ tham gia lớp “Học kỳ trong Quân đội” tại Sư đoàn 3 đã hoàn thành chương trình, đạt chất lượng tốt. Môi trường quân ngũ thực sự là môi trường lành mạnh, bổ ích và an toàn giúp các em trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn và sẽ tác động mạnh mẽ đến ý chí để giúp các em có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần.

Được làm quen với môi trường, tác phong và kỷ luật quân đội, các “chiến sĩ nhí” cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ, sự trưởng thành trong nhận thức; vun đắp tâm hồn, khơi nguồn cảm xúc, tình cảm yêu thương và ý thức, trách nhiệm của các em đối với gia đình, bạn bè và xã hội.

Bài và ảnh: MẠNH CƯỜNG - MINH ĐỨC
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục