Sáng 3-11, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Theo chương trình, Quốc hội dành 3 ngày cho nội dung này. Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội phát biểu một số vấn đề liên quan.  

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất đánh giá, năm 2020 là một năm đặc biệt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hậu quả nặng nề từ thiên tai, bão chồng bão, lũ chồng lũ... Tuy vậy, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020. Việt Nam là nằm trong số ít những nước đạt mức tăng trưởng dương, vị thế của đất nước được nâng cao. 

Tại phiên họp, các đại biểu cũng nêu nhiều giải pháp để nước ta phát triển bền vững trong thời gian tới. Từ hậu quả của bão, lũ xảy ra trong thời gian qua ở miền Trung, nhiều đại biểu đã đưa ra những đề xuất đối với Chính phủ, các bộ, ngành để kinh tế - xã hội phát triển bền vững, cuộc sống người dân được bảo đảm trong thời gian tới. 

Khuyến khích người dân làm nhà sàn, nhà chống lụt, hầm trú bão

Tham gia phát biểu, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) bày tỏ lời cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ và nhân dân cả nước đã quan tâm, chia sẻ kịp thời với những khó khăn, mất mát của của đồng bào miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam trong khắc phục hậu quả và cứu hộ, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trong đợt bão lũ lịch sử vừa qua.


Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: VPQH

Từ thực tiễn của dải đất miền Trung khi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai do biến đổi khí hậu, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc trồng rừng thay thế bảo đảm nguyên tắc phòng hộ và loại cây trồng, đặc biệt là bảo đảm chức năng phòng hộ của rừng thay thế.

Ngoài ra, từ thực tiễn sạt lở đất trong thời gian qua, đại biểu đề xuất nên quan tâm, khuyến cáo, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở làm nhà sàn; bởi thực tiễn cho thấy, khi xảy ra sạt lở, hộ nào có nhà sàn thì không bị vùi lấp mà chỉ bị đẩy đi. Bên cạnh đó, từ hiệu quả trong thời gian vừa qua, đại biểu cũng đề nghị cần khuyến khích người dân làm nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão ở vùng ven biển.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị tổng rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, kiên cố hóa các điểm trường vùng núi vì đây là nơi người dân tránh trú khi xảy ra bão, lũ.

Đại biểu cũng đề nghị rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và cần thông tin rộng rãi để người dân an tâm.

Tăng cường phát triển rừng, phục hồi rừng tự nhiên

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng, nguyên nhân của những bất thường từ lũ, bão thời gian qua là do chúng ta đã mất quá nhiều diện tích rừng tự nhiên – “tấm lá chắn của Mẹ thiên nhiên” và đề nghị: “Chính phủ cần nghiêm túc tổng rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ, tình hình phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, để có các giải pháp căn cơ, lâu dài về môi trường, về các giải pháp chống chịu mưa bão, lũ lụt như vừa qua. Theo đó, đề nghị Quốc hội tăng cường các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ, kiên quyết dừng hoặc loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.


Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: VPQH

Cũng qua đợt bão lũ lịch sử lần này, đại biểu đề nghị cần nhìn lại quá trình phát triển tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của vùng chịu nhiều tác động thiên tai để phát triển bền vững; phải có những ứng xử chủ động, sáng tạo, tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu, giảm nhẹ thiên tai trước thiên tai ngày càng khắc nghiệt.

"Trong quy hoạch phát triển nhất thiết phải làm cho được vấn đề phát triển nhanh nhưng phải bền vững; tăng cường nâng cao khả năng, nhận thức, kỹ năng sống, khả năng ứng phó, thích nghi của người dân với thiên tai và biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nhanh chóng, kịp thời; xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phòng, chống thiên tai đồng bộ; các cơ quan quản lý, các nhà khoa học cần đánh giá, giúp cho các địa phương quy hoạch lại vùng bố trí dân cư, di dời dân và quy hoạch cho vùng dân cư miền núi chịu ảnh hưởng của sạt lở đất một cách ổn định, bền vững; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp; tăng cường, chú trọng trồng và phát triển rừng, phục hồi rừng tự nhiên ở miền núi góp phần giảm lũ và chống sạt lở đất...." - đại biểu phân tích. 

“Mỗi hành động mạnh mẽ hôm nay, dù phải hy sinh một phần về kinh tế trước mắt nhưng sẽ để lại sự sống an toàn cho hàng chục triệu người dân miền núi, hạ du, để không lặp lại những thảm cảnh mỗi mùa mưa lũ đến...”, đại biểu nhấn mạnh. 

Ngoài ra, cũng tại phiên thảo luận, từ những thiệt hại qua đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) đề nghị Quốc hội có nghị quyết để Chính phủ có giải pháp, nguồn lực đủ để di dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét; rà soát, nghiên cứu để phân vùng, cảnh báo, quy hoạch… đối với những địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi có thiên tai.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục