Việc biên soạn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa lớp 1 là nội dung nhận được rất nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 4-11.

Sai sót biên soạn SGK, nên hay không đưa cơ quan điều tra vào cuộc?

Nhấn mạnh đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình bộ sách hình thức xã hội hóa trong điều kiện vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng yêu cầu cao, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận định “chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ”. Tuy nhiên, theo đại biểu, không riêng gì một quyển sách mà cả 5 bộ sách đều dính lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn về bản quyền, ngữ liệu. Lỗi trong SGK chỉ có đúng hoặc sai chứ không có lỗi không phù hợp. Điều này càng bộc lộ rõ về quy trình thẩm định, phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin.   

Đại biểu đoàn Phú Yên cũng cho rằng, một đội ngũ có trình độ, là nhà nghiên cứu khoa học, học hàm, học vị nhà nước đào tạo bài bản mà biên soạn, soạn sách lại có nhiều thiếu sót thì với giáo viên – trình độ thấp hơn ai dám khẳng định tôi sẽ dùng ngữ liệu đúng hơn các giáo sư, tiến sĩ.


Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo góp ý về sách giáo khoa. Ảnh: VPQH

Tiếp tục góp ý về sách giáo khoa sau ý kiến chiều qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nhắc đến phản ánh của cử tri, nhân dân về SGK và nhấn mạnh mong muốn đòi hỏi sự công bằng về quyền lợi cho chính các tác giả thực sự của SGK nói chung và SGK lớp 1 nói riêng.

Sau phát biểu của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đã xin tranh luận. Đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh: Tôi nói ở đây không phải bênh Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhưng phải nói khách quan: Ở đây là sách Tiếng Việt lớp 1 có lỗi, có "sạn", nhưng việc đó không ở mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến. Theo đại biểu, sai sót là điều không thể tránh khỏi khi một chương trình mới bắt đầu; việc này khắc phục được khi giáo viên tiến hành giảng bài có thể sửa lại sao cho phù hợp với bài giảng.

Nhắc lại lời đề nghị của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo rằng “để tránh làm bức xúc cho nhân dân, đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra...”, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, “đưa cơ quan điều tra việc in sai, in lậu là hoàn toàn chính xác nhưng tôi băn khoăn SGK có một số lỗi mà chuyển cơ quan điều tra để truy trách nhiệm của hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định, chủ biên, tác giả thì hơi quá mức”.


Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận. Ảnh: VPQH

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để sai sót tái diễn ở SGK lớp 2 và lớp 6

Sau phần tranh luận “nóng” giữa các đại biểu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu, ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ GD-ĐT, cho ngành giáo dục để có bộ SGK tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phó thủ tướng cho biết, không chỉ có ý kiến của các đại biểu Quốc hội mà còn rất nhiều người dân, trong đó có cả các nhà khoa học giáo dục, các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, giáo viên và người dân bình thường với tư cách là ông bà, cha mẹ có con cháu đang học lớp 1 góp ý về SGK.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đang thực hiện đổi mới giáo dục và gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng có một chủ đề liên quan đến giáo dục được cử tri quan tâm. Tại kỳ họp lần này là chủ đề SGK.

"Chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK mới được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và đặc biệt được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong đó, ai chịu trách nhiệm về SGK, từ hướng dẫn đến quy trình biên soạn, thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định ra sao, đến phê duyệt sách… đều được quy định bằng luật, trực tiếp ở đây là Bộ GD-ĐT và luật quy định rất rõ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK", Phó thủ tướng nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu Bộ GD-ĐT.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến. Ảnh: VPQH

Phó thủ tướng cho hay, việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên cũng như các vấn đề giáo dục khác được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, đã có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề SGK, có nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, nhiều cuộc trao đổi riêng với các thầy cô giáo...

"Sai đến đâu, sai mức nào thì phải cơ quan chuyên môn, ngay cả Bộ trưởng Nhạ nói với tôi là không hề có kiến thức và kinh nghiệm dạy Ngữ văn lớp 1. Bộ SGK được biên soạn nhưng vốn tiếng Việt của nhóm Cánh Diều đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có "sạn", có sai sót", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng, lỗi này (lỗi sách SGK lớp 1) cần phải được tiếp thu cầu thị, có những việc liên quan đến chuyên môn dạy ngôn ngữ cho trẻ bước đầu đi học phải có trao đổi cởi mở, cầu thị. Thủ tướng và cá nhân tôi đã yêu cầu Bộ GD-ĐT với tinh thần như vậy.

"Bộ trưởng Nhạ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc cá nhân Bộ trưởng và đã có những bước chỉ đạo kiên quyết, thay Chủ tịch hội đồng thẩm định. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng phải lưu ý những sai sót này để rút kinh nghiệm nghiêm túc, để quy trình biên soạn sách lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không lặp lại", Phó thủ tướng nói.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa bản thảo các bộ SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để người dân góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc những ý kiến đúng. Những ý kiến chưa đúng có thể giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận.

"Có nhiều việc Bộ GD-ĐT không thông tin kịp thời và không có sự trao đổi cần thiết. Tôi trực tiếp nghe tại Quốc hội trong 2 ngày qua, các đại biểu đã nói rất nhiều về một chương trình nhiều bộ SGK. Trước đây, chúng ta có 1 chương trình và 1 bộ SGK. Dù có một hay nhiều bộ sách thì chất lượng cũng ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn trước đây. Trách nhiệm này thuộc về Bộ GD-ĐT và Bộ GD-ĐT sẽ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục, đặc biệt là toàn thể nhân dân", Phó thủ tướng nêu rõ.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục