Chiều nay (3-9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu kép và công tác giáo dục của tỉnh ngay trước thềm năm học mới.


Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, động viên giáo viên và học sinh Trường mầm non Bình Yên và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa (xã Bình Yên, huyện Định Hóa).

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Thái Nguyên chiều nay được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hóa, kết nối với điểm cầu các huyện, thành phố, thị xã và tất cả 178 xã, phường, thị trấn của tỉnh, với tổng số hơn 700 đại biểu tham dự.

Cùng dự tại điểm cầu Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hóa có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Y Thanh Hà Niê KĐăm, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1.

Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên chủ trì tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020 và 8 tháng năm 2021; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chuẩn bị năm học 2021-2022.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh, trong năm 2020 và 8 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện thành công “mục tiêu kép”.

Cụ thể, trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn đạt 4,24%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 783,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 24,4 tỷ USD (đứng thứ tư cả nước); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 15.623 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,3%. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63; đặc biệt chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 03/63 (tăng 36 bậc).

Những tháng đầu năm 2021, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. GRDP 6 tháng tăng 6,5%; chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 7,49%; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD, tăng 5,77%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 10.206 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 8-2021, tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 560 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn hiện là 7.785 với tổng vốn đăng ký đạt trên 109 nghìn tỷ đồng; 169 dự án FDI với số vốn đạt trên 8,7 tỷ USD. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ Thái Nguyên mà còn cho vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc…

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thái Nguyên là một trong số ít tỉnh trong cả nước đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Tuy nhiên, do tiếp giáp với các tỉnh, thành phố đang có dịch diễn biến dịch phức tạp, nên Thái Nguyên luôn xác định nguy cơ cao dịch xâm nhập; chủ động duy trì các phương án, kịch bản ứng phó ở mức độ cao hơn so với tình hình thực tế. Các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ; toàn tỉnh duy trì 107 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ vào địa bàn; gần 2.400 tổ COVID-19 cộng đồng với gần 17.800 người tham gia.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch đáp ứng cấp độ 5 trong phòng, chống dịch. Công tác hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được quan tâm thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch. Đặc biệt, Thái Nguyên là một trong những địa phương sớm ban hành và triển khai nhiều chính sách đặc thù riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ người Thái Nguyên đang sinh sống tại T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.

Đối với công tác giáo dục, đến nay, toàn tỉnh có trên 85% các trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt trên 82,5%; 8% số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Công tác đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục tiếp tục được quan tâm, với Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành, dự kiến kinh phí thực hiện là trên 2.800 tỷ đồng.

Trong năm 2021-2022, toàn tỉnh có gần 700 cơ sở giáo dục, với trên 328.000 học sinh. Đến nay, các nhà trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh; 100% các trường sẵn sàng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các điều kiện cần thiết khác cho năm học, đảm bảo việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất.

Về kết quả thực hiện chương trình chuyển đổi số, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc ban hành Nghị quyết về Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sau 8 tháng triển khai, tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, đột phá trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đáng chú ý là tỉnh đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh; xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) với hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại; triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân trực tuyến qua phần mềm “Ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” và hiện đang xúc tiến thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm bổ sung các nguồn lực, hoặc cho thí điểm cơ chế, mô hình, chính sách đặc thù… đối với các dự án trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và các dự án về chuyển đổi số; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm lực về kinh tế đến nghiên cứu, đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên, cũng như tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh trong thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch và chuẩn bị năm học mới của tỉnh Thái Nguyên. Nhất là quan điểm chủ động phòng, có phương án, kịch bản ứng phó ở mức độ cao hơn so với tình hình thực tế của dịch.

Trao đổi trực tuyến với lãnh đạo Đảng ủy một số địa phương của tỉnh, gồm: Xã Tân Lợi (Đồng Hỷ); xã Yên Ninh (Phú Lương); phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), Thủ tướng đánh giá các địa phương cơ bản nắm chủ trương, nguyên tắc phòng chống dịch; có sự chuẩn bị tốt cho năm học mới. Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp để mỗi xã phường thực sự là một "pháo đài chống dịch". Nhất là thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, cách ly; tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống dịch để người dân biết, người dân hiểu, người dân tin, người dân theo và người dân làm, cùng với hệ thống chính trị để chống dịch hiệu quả.

Dành phần lớn thời gian nói về công tác giáo dục, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Thái Nguyên đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục phát triển; nhất là đầu tư nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất khang trang; quan tâm điều kiện học tập, sinh hoạt cho các học sinh nội trú, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước rất chia sẻ với thầy cô giáo, các em học sinh, nhất là những nơi chưa thể khai giảng năm học do dịch; quyết tâm sớm đưa việc học trở lại bình thường và triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh. Các bộ, ngành và địa phương phải khảo sát cụ thể những khó khăn, vướng mắc của ngành Giáo dục để đề xuất và có phướng án tháo gỡ kịp thời; quan tâm chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học; chính sách giáo dục với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Bước vào năm học mới, Thủ tướng Chính phủ gửi lời đến thầy cô giáo và các em học sinh tình cảm nồng ấm và những lời chúc tốt đẹp nhất…

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh tiếp thu nghiêm túc, lĩnh hội đầy đủ, toàn diện ý kiến phát biểu chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo, bổ sung, cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới đạt kết quả tốt nhất.

* Trong chương trình làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa).

Trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên trong Đoàn đã kính cẩn đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong cuốn sổ lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Nguyện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tập trung trí tuệ và nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc để chống dịch thành công và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững”. Thủ tướng và Đoàn công tác đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên của Nhà tưởng niệm.

* Tại Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp xuống thăm khu vực sản xuất và kiểm tra tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp.



Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp nhằm duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và đảm bảo an toàn cho người lao động. Đáng chú ý là việc tập trung khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ cao; giảm thiểu rủi ro dịch bệnh từ các tác nhân từ bên ngoài; sàng lọc tất cả các mối nguy và liên tục cập nhật tình hình COVID-19 để đưa ra phương án bố trí nhân lực.

Lãnh đạo Samsung chia sẻ, chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam; sự chủ động, quyết liệt của tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện rất lớn để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Đặc biệt, Công ty đã từng bước tiếp cận được nguồn vắc - xin, với hơn 12.000 liều đã được tiêm, giúp người lao động yên tâm làm việc. Chính nhờ vậy, tình hình sản xuất của doanh nghiệp 7 tháng của năm 2021 được duy trì tốt, với mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ; đảm bảo mục tiêu xuất khẩu.

Chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ những khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhất là việc dừng hoạt động của nhà máy tại Bắc Giang; tình trạng sản xuất cầm chừng tại các nhà máy ở T.P Hồ Chí Minh thời điểm hiện tại, Samsung mong muốn Chính Phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để công ty duy trì đà tăng trưởng.

Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kết quả sản xuất kinh doanh trong thời gian qua của công ty là minh chứng rõ nhất quan điểm “mục tiêu kép” mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực và kiên trì thực hiện.

Về công tác phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất an toàn, Thủ tướng đề nghị Samsung phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính quyền địa phương. Hoan nghênh chiến lược phát triển lâu dài ở Việt Nam, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp trong mở rộng sản xuất, phát triển bền vững. Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp quan tâm hơn nữa tới các chính sách phúc lợi cho người lao động, bởi quan điểm nhất quán của Việt Nam là “không hy sinh phúc lợi để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Khẳng định Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để tiêm chủng miễn phí cho toàn dân cũng như đẩy nhanh tiến độ để sản xuất vắc-xin, Thủ tướng hy vọng Samsung yên tâm và tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Giám đốc Samsung Việt Nam và lãnh đạo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên khẳng định: Với sự thích ứng ngày càng cao trong bối cảnh dịch bệnh, Samsung quyết tâm cùng Chính Phủ và tỉnh Thái Nguyên nêu cao tinh thần chủ động, đảm bảo an toàn cho Nhân dân cũng như thành quả trong công tác phòng, chống dịch để chiến thắng đại dịch.

* Cũng trong chương trình làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã thăm, động viên và tặng quà giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hóa; Trường Mầm non xã Bình Yên (Định Hóa); thăm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (IOC).

Theo TTXVN và Baothainguyen

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục