Quy định về những điều đảng viên không được làm “Tấm lá chắn thép” bảo vệ, giữ gìn danh dự người đảng viên
Cập nhật ngày: 09/11/2021 07:40 (GMT +7)

Quy định số 37-QĐ/TW (Quy định 37) năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm được xem là một trong các giải pháp quan trọng, tạo “tấm lá chắn thép” bảo vệ, giữ gìn danh dự người đảng viên.

Ngay khi quy định được ban hành, dư luận rất quan tâm đến những điểm mới bổ sung so với quy định cũ và quan trọng hơn là làm thế nào để “những điều đảng viên không được làm” sớm thấm, ngấm, trở thành “chiếc gương soi” cho mỗi đảng viên trong cuộc sống và quá trình thực hiện công vụ.

Những điểm mới bổ sung, phù hợp với thực tiễn

Một trong những điểm mới bổ sung, đáng chú ý được các chuyên gia xây dựng đảng và các nhà khoa học nhắc đến nhiều là tại Điều 9, quy định việc đảng viên không được “báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, trước vấn nạn sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả, thời gian qua, các tổ chức đảng đã phát hiện những cán bộ, đảng viên sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để tiến thân. Điều này đã được Đảng chỉ ra từ Đại hội XI, đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương... Lần này, để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng những yêu cầu cao hơn, Đảng quy định rõ về việc cấm sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả.

Đối với thực trạng nhập quốc tịch, mở tài khoản, chuyển tiền ra nước ngoài để mua bán tài sản, PGS, TS Nguyễn Viết Thông cho rằng: Thời gian qua, có những vụ tuyên án xong nhưng thu hồi tài sản rất khó vì người vi phạm đã chuyển tiền và tài sản ra nước ngoài. Do vậy, việc Đảng ban hành quy định "cấm đảng viên lập tài khoản tại ngân hàng nước ngoài, chuyển tiền ra nước ngoài mua tài sản" là cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bởi nếu để cán bộ, đảng viên gửi tiền ra nước ngoài thì khi phát hiện có tham nhũng, tiêu cực rất khó hoặc không thu hồi được.


Chỉ huy Lữ đoàn Pháo binh 382, Quân khu 1 trao đổi với cán bộ, đảng viên trong đơn vị về xây dựng chi bộ “4 tốt, 3 không” (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). Ảnh: BÙI HIỆP 

Lãnh đạo nhiều địa phương đồng tình cho rằng: Nội dung được bổ sung trong Quy định 37 có tính chất ngăn chặn từ gốc việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài do tham nhũng, tiêu cực mà có. Đây là tiền đề quan trọng để xem xét trách nhiệm của những đảng viên “đi ngược” lại lợi ích quốc gia-dân tộc, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ với quy định của Nhà nước; giúp việc kê khai tài sản theo quy định dễ tầm soát, kiểm soát...

Quy định 37 còn có nhiều điểm mới, đáng chú ý, như: Tại Điều 3 nêu rõ đảng viên không được “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận cho rằng: Vấn đề phản bác Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh-nền tảng tư tưởng của Đảng-là biểu hiện rõ nhất của suy thoái về chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi phản bác, phủ nhận, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng thì không xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “...nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...

Để quy định “thấm, ngấm” trong mỗi đảng viên

Có thể khẳng định: 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm đã đem lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều chủ trương, quy định mới được Đảng ta ban hành. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII; Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, khóa XIII về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung...

Thông qua những quy định mới đó, vấn đề đặt ra là cần phải bổ sung những điều đảng viên không được làm mà Quy định số 47-QĐ/TW trước đây chưa đề cập chi tiết, đầy đủ, cần phải thay đổi, bổ sung cho toàn diện, đầy đủ, sâu sắc. Đó là những lý do để Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII quyết định tiến hành sửa đổi, bổ sung những điều đảng viên không được làm và ban hành Quy định 37 nhằm phù hợp với tình hình mới. 

Để Quy định 37 sớm "thấm, ngấm" vào từng cán bộ, đảng viên của Đảng, theo cựu chiến binh Nguyễn Đức Bình, ở thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), công tác quán triệt, tuyên truyền cần phải được triển khai nghiêm túc, bài bản ngay từ đầu. “Cần có quy định bắt buộc để đảng viên thuộc nằm lòng Quy định 37. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng quy định ban hành rồi, ai cũng biết, nhưng nắm cụ thể thì không ai biết”, cựu chiến binh Nguyễn Đức Bình tâm sự.

Đồng quan điểm trên, theo đồng chí Võ Văn Thạch, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Long (Quảng Ngãi), việc tổ chức quán triệt, học tập và kiểm tra thường xuyên, thành nền nếp sinh hoạt hằng tháng của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng đối với đảng viên về những điều đảng viên không được làm là rất cần thiết.

“Để thực hiện nghiêm quy định trên, trước hết là ý thức tự giác chấp hành của đảng viên, cùng với sự giám sát của cấp ủy đảng và cơ quan chức năng các cấp. Đặc biệt, cần phát huy tốt vai trò giám sát từ cộng đồng. Bởi tai mắt của nhân dân rất tinh tường, sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp các cơ quan chức năng có được các giải pháp phù hợp đối với từng đảng viên trong việc thực hiện Quy định 37”, đồng chí Võ Văn Thạch nêu quan điểm.

Để cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quy định mới, tránh tình trạng qua loa, chiếu lệ, lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương cho rằng: Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên giáo dục, quán triệt, đưa vào nghị quyết tháng, nghị quyết chuyên đề, tổ chức cho đảng viên học thuộc 19 điều đảng viên không được làm; đi đôi với việc theo dõi, nắm bắt kịp thời những biểu hiện vi phạm của cán bộ, đảng viên với tinh thần không bao che, giấu giếm; nếu có vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc, không để sót người, lọt khuyết điểm.

Mặt khác, phải chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, lợi ích nhóm. Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII: Muốn nghị quyết và kết luận này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt, thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Theo nghĩa đó, để Quy định 37 đi vào cuộc sống, từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị và từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn. Nếu từng đồng chí lãnh đạo cao nhất nắm chắc và thực hiện nghiêm 19 điều đảng viên không được làm thì các cấp phải làm theo và lan tỏa ra toàn Đảng, hệ thống chính trị là điều tất yếu. Đặc biệt, ngay từ bây giờ phải khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Theo QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục