Cọn nước quê tôi
Cập nhật ngày: 28/06/2019 14:27 (GMT +7)

Với mỗi người khi xa xứ, quê hương luôn gắn với những hình ảnh gần gũi không thể phai mờ. Sinh ra ở vùng núi cao huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, tuổi thơ tôi được bao bọc với bạt ngàn núi cao hùng vĩ quanh năm tiếng chim hót. Tôi lớn lên trong nếp nhà sàn truyền thống người Tày, vết chân mài mòn chín bậc cầu thang. Tự bao giờ, hình ảnh chiếc cọn nước bên bờ suối như những bánh xe khổng lồ quay chậm rãi đã trở một thành nét đặc trưng của đất và người vùng cao quê tôi.


Cọn nước ở xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: TH

Như thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người vùng cao, cọn nước được tạo nên bởi bàn tay thô ráp của các lão làng, thấm đẫm bản tính tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân quê tôi. Được ví như một cỗ máy vĩnh cửu hoạt động suốt đêm ngày, cọn nước đã gánh vác phần công việc nặng nhọc cho những người nông dân vùng núi. Cùng với điệu nhạc róc rách được xướng lên từ dòng nước trong veo của con suối hoà quyện với tiếng véo von của muôn loài muông thú, chiếc cọn nước cứ miệt mài ngày đêm với những vòng quay không ngừng nghỉ tuôn nước tưới cho những chân ruộng bậc thang. 

Việc chế tạo ra chiếc cọn nước thật không hề đơn giản. Cha tôi bảo: Ngày trước, mỗi khi làm cọn nước phải chuẩn bị nguyên vật liệu rất kĩ, có khi mất cả tháng trời, đặc biệt phải chọn được chỗ để đặt cọn. Các vật liệu như gỗ, tre nứa, vầu, lạt, giang, mây… đều phải lấy từ rừng về, phải là những loại cây đủ độ già để chịu đựng mưa, gió và nhất thiết phải phơi khô trước khi làm. Công đoạn đầu tiên là chọn một khúc gỗ chính để làm trục giữa, khúc gỗ này phải là loại gỗ vừa nhẹ, vừa bền và có khả năng chịu nước tốt. Tiếp đến là công đoạn làm nang cọn, được làm bằng những câu vầu có thân thẳng, nhỏ và phải là loại vầu già đủ tuổi. Tùy theo độ cao thấp, mực nước của nơi cần dẫn nước đến và nguồn nước sẽ quyết định kích thước của cọn thông qua độ dài ngắn của nang cọn. Sau đó, những cây nứa già ở trên rừng đem về sẽ được chẻ mỏng rồi ghép lại thành từng tấm phên mỏng hình chữ nhật để làm cánh quạt. Nước chảy tác động vào những tấm phên này sẽ tạo ra lực đẩy làm quay cọn. Những cây vầu già đủ tuổi sẽ được chọn, vót và uốn để cố định vòng ngoài và vòng trong giữa các thanh nang nhằm giữ cho cọn không bị xô lệch và đúng kích thước. Thông thường, lớp cọn nước sẽ được buộc cố định bằng hai chạc làm giá đỡ hai bên trục, phía dòng nước chảy về phía cánh quạt sẽ có hai cây gỗ có chạc hình chữ V để nâng đỡ và giữ cố định. Công đoạn quan trọng nhất trong việc làm cọn là việc đặt và bố trí những ống đựng nước trên thân. Thông thường mỗi ống đựng nước được buộc kèm và chéo theo mỗi cánh quạt nước. Tuy nhiên, cần bố trí độ dày mỏng và đặt những ống nước ra sao để khi cọn quay, nước sẽ được múc đầy ống và đổ đúng máng dẫn nước… Đó cũng là lí do vì sao chỉ những lão làng có nhiều kinh nghiệm mới là người trực tiếp được buộc ống nước để cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước quay. 

Mỗi một chiếc cọn được hoàn thành là biết bao tâm huyết và công sức của người làm ra gửi vào đó và từ bao đời nay, cọn nước đã thực sự trở thành một nét văn hóa độc đáo bên mỗi ruộng nương, đồi bãi... Tới nay, cùng dòng chảy thời gian, cuộc sống của đồng bào quê tôi cũng đổi thay, các công cụ máy móc dùng để lấy nước được dân quê tôi sắm ở phiên chợ, vì thế những cọn nước cũng ít dần đi. Nhưng, với những cọn nước còn lại, người ta vẫn thấy ẩn hiện trong đó bóng dáng bản làng, thấp thoáng tâm hồn, tình cảm và sự chịu thương chịu khó, tính cần cù nhẫn nại của người vùng cao.

    

ĐỖ KIM TẬP
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục