Độc đáo lối hát dân ca của người Sán Chí
Cập nhật ngày: 02/08/2019 09:25 (GMT +7)

Dân tộc Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có nền văn hóa dân gian khá đa dạng và phong phú. Trong đó, dân ca là một loại hình nghệ thuật được nhiều người yêu thích.

Lục Ngạn là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, nơi đây là địa bàn cư trú của các dân tộc anh em sinh sống như: Dao, Hoa, Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan. Trong đó, người Sán Chí chiếm số lượng khoảng hơn 40%. Cộng đồng người Sán Chí chủ yếu sống trên các dãy núi cao, hoặc gần các khe suối và sống thành từng bản. Trên cơ sở văn hoá riêng của dân tộc, phong tục, tập quán và qua quá trình lao động, người Sán Chí đã sáng tạo những câu hát trữ tình, đằm thắm, phát triển thành lối hát dân ca mang tính đặc trưng. 


Câu lạc bộ hát dân ca Sán Chí xã Kiên Lao (Lục Ngạn, Bắc Giang) đang trình bày một làn điệu hát giao duyên ban ngày. 
   

Theo các cụ cao niên người Sán Chí ở xã Kiên Lao cho biết, các làn điệu, câu hát dân ca của người Sán Chí có từ lâu lắm rồi. Có từ bao giờ thì chẳng ai còn nhớ, khi lớn lên họ đã được cha mẹ dạy cho những câu hát, làn điệu hát dân ca. Người biết hát truyền cho người không biết hát, người biết nhiều dạy cho người không biết. Cứ thế, các làn điệu, câu hát dân ca của người Sán Chí phát triển và giữ gìn, lưu truyền cho đến ngày nay. 

Ông Lâm Văn Đông, thôn Giữa, xã Kiên Lao năm nay đã ngoài 80 tuổi. Người vẫn còn lưu giữ được khá nhiều các bài hát, câu hát dân ca cổ của người Sán Chí cho biết: “Hầu hết người Sán Chí nào cũng biết hát các làn điệu hát dân ca Sán Chí. Đa phần các làn điệu hát dân ca Sán Chí bắt nguồn từ trong lao động, sản xuất. Năm 18 tuổi, tôi đã dịch những làn điệu bài hát dân ca Sán Chí từ chữ Hán cổ ra chữ Quốc ngữ để dạy cho những người dân trong bản, làng”.

Các làn điệu, câu hát cổ của người Sán Chí không có nhạc cụ đệm. Các bài hát, làn điệu câu hát của người Sán Chí đều có nhịp phách, luyến láy, nhả chữ, lên bổng xuống trầm, ngân dài nhấn mạnh từ ngữ trong câu hát đã tạo nên giai điệu, phách nhịp và thể hiện tình cảm của người hát trong từng hoàn cảnh cụ thể. Người hát dân ca Sán Chí giỏi không chỉ thuộc nhiều lời hát, thể loại hát mà còn phải thông minh, sâu sắc, giỏi ứng đối để tùy lúc, tùy nơi đưa ý tưởng từ những tình huống, đồ vật xung quanh vào làn điệu dân ca đối đáp với người mà mình giao lưu, hát đối hoặc thi hát giữa các đội. 

Về thể loại, hầu hết các bài hát dân ca Sán Chí  xuất phát từ  thơ Đường, thường viết theo thể “thất ngôn tứ tuyệt” (thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ). Bên cạnh đó, trong một số bài, câu đầu chỉ có 5 từ, do vậy người Sán Chí phải dùng từ láy để ngâm đệm khi hát. 

Về không gian và hình thức diễn xướng, cũng giống như các loại hình dân ca khác, dân ca Sán Chí được bảo lưu theo phương thức truyền miệng. Các làn điệu, câu hát của người Sán Chí thường được bắt nguồn trong lao động, lúc đi làm đồng, đi chợ, hát đối đáp, đến nhà chơi hát chào, hát mừng gia chủ; hát chào khách đến chơi; hát gặp bạn hữu; hát khi có hội; hát mời ăn cơm; hát đám cưới, hát đám ma. Họ hát để giao tiếp, giãi bày tình cảm. 

Ông Lâm Minh Sập, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao cho biết: “Nhận thức được việc bảo tồn các nét văn hóa quý giá của đồng bào Sán Chí, năm 2010, tôi đã cùng các già làng trong bản tập hợp, sưu tầm những bài hát, làn điệu dân ca Sán Chí rồi cùng nhau tập hát và truyền dạy cho các lớp trẻ. Hiện nay, trong xã có 7 thôn, đều có Câu lạc bộ. Hầu hết, ai cũng biết hát và đã đi giao lưu với rất nhiều bà con Sán Chí ở Đắc Lắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng…”.

Bà Lâm Thị Thúy, cho biết: “Hồi còn nhỏ, tôi mê hát lắm, có nhiều lúc trốn cả bố mẹ đi hát mấy ngày cùng chúng bạn.Từ khi được tham gia Câu lạc bộ hát dân ca Sán Chí tôi vui lắm. Được hát lại những câu hát cổ truyền của dân tộc cảm thấy thích và như được trẻ lại. Giờ có tuổi tôi cũng đang động viên con cháu học hát để giữ lại nét truyền thống có hàng trăm năm của đồng bào tôi”. 

Ông Nguyễn Bá Đạt, nguyên Trưởng phòng văn hóa huyện Lục Ngạn, người có nhiều năm nghiên cứu về các làn điệu, câu hát của người Sán Chí cho biết: “ Các làn điệu, câu hát dân ca của người Sán Chí rất phong phú, đa dạng. Người Sán Chí thường chia các bài hát, làn điệu dân ca Sán Chí theo các phương diện, như hát ban ngày, hát ban đêm, hát, hát tỏ tình, hát đám cưới, hát đổi danh…. Trong đó hát ban ngày thường được hát nhiều nhất, bởi khi lên nương, khi làm rẫy, khi lấy củi trong lúc lao động mệt nhọc họ thường hát để khuây khỏa, xua tan mệt nhọc. Cũng có khi mới gặp nhau, người ta cùng hát để thử sức, thử tài rồi làm quen và kết bạn. Lời hát mộc mạc, giản dị nhưng rất ý nhị, chan chứa tình cảm. Một điểm đặc biệt nữa là ở thể loại hát ban đêm, khi khách đến chơi nhà, thì người khách phải hát đối được với chủ nhà, thì chủ nhà mới mời vào, còn không thì không được”.

Hiện nay, có ở xã Kiên Lao còn bảo tồn hơn 1.000 bài hát, làn điệu câu hát dân ca cổ của người Sán Chí qua các giai đoạn. Người Sán Chí khi hát đối đáp giao duyên thường từng đôi, từng cặp có nam có nữ. Tuy không sử dụng nhạc cụ nhưng những lời ca, làn điệu trầm bổng, ngân nga, lên xuống day dứt, tha thiết nồng nàn là điểm độc đáo nhất mà các làn điệu, câu hát dân ca Sán Chí mang lại. Với sự độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức, dân ca Sán Chí ở Lục Ngạn, Bắc Giang có giá trị văn hoá lớn trong kho tàng văn hoá dân tộc. Dân ca Sán Chí đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 


 

Bài và ảnh: LONG VŨ
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục