Kiến trúc nhà sàn của người Sán Chỉ ở Cao Bằng
Cập nhật ngày: 23/09/2019 09:17 (GMT +7)

Qua bao thế hệ, người Sán Chỉ xưa và nay vẫn giữ nguyên nét bình dị trong kiến trúc xây cất nhà sàn nhưng chứa đựng những vẻ đẹp độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.

Đến một số xóm tập trung đông người dân tộc Sán Chỉ đang sinh sống ở 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng, có thể thấy cấu trúc bề ngoài nhà sàn người Sán Chỉ chịu ảnh hưởng điều kiện địa lý tự nhiên, thói quen sinh hoạt và tác động văn hóa các dân tộc cộng cư với họ, nên nhìn tổng thể nhà sàn truyền thống người Sán Chỉ cũng tương tự như người Tày, Nùng… Nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu, nhà sàn truyền thống người Sán Chỉ có những nét riêng độc đáo.


Nhà sàn gắn liền với đời sống văn hóa của người Sán Chỉ ở Cao Bằng.

Ông Hoàng Văn Khánh, Trưởng xóm Nà Dạn, xã Thượng Hà (Bảo Lạc, Cao Bằng) - nơi có trên 90% người Sán Chỉ sinh sống cho biết: Nhà sàn truyền thống người Sán Chỉ được mường tượng như một “trâu thần” (thủy ngưu), bốn cột chính ở giữa nhà tượng trưng cho 4 chân; rui mè như những xương sườn; nóc nhà được coi là sống lưng. Ngay chân cột chính cạnh cửa ra vào được người Sán Chỉ đặt thùng cám, coi như là dạ dày của trâu thần. Bởi vậy, nó là chỗ linh thiêng trong nhà, nơi thờ thần chăn nuôi của gia đình. Tại một góc nhà ở phần ngoài nhà sàn có một buồng nhỏ lúc nào cũng đóng kín, ngay cả chủ nhà cũng chỉ vào buồng này vào những ngày nhất định trong năm. Đây chính là nơi tùy theo dòng họ người Sán Chỉ thờ Ngọc Hoàng, Táo quân… mà họ gọi là “hương hỏa”. Có cầu gỗ ghép nối sàn phơi với tầng trên chuồng gia súc.

Bên trong ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ cũng tương tự như của người Tày, Nùng được thiết kế chặt chẽ, phù hợp với nhu cầu và điều kiện sống. Trong nhà có 2 - 3 buồng ngủ bố trí hợp lý hai bên trái, phải trong nhà, bếp được đặt ở phần cuối gian giữa của ngôi nhà, đây là nơi để nấu ăn và mọi người sum họp bên bếp lửa. Phía trên bếp lửa là gác bếp, thường dùng làm kho chứa đồ cũng như tận dụng sức nóng của lửa để bảo quản ngô, lạc, khoai… Trước cửa có sàn phơi thóc, nơi để ngồi thêu thùa, may vá. Còn bên dưới sàn nhà, người dân thường để nông cụ.

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay, nhà sàn truyền thống đã có nhiều thay đổi cơ bản về cấu trúc cũng như cách làm cho phù hợp với điều kiện và sinh hoạt nhưng riêng cộng đồng người Sán Chỉ vẫn giữ được khá nguyên vẹn những ngôi nhà sàn theo kiến trúc truyền thống. 

Những ngôi nhà sàn bình dị với mái phủ rêu phong lấp ló sau rặng cây nằm quần tụ ven suối, chân núi… đã tạo nên khung cảnh nên thơ vùng sơn cước. Dù cuộc sống có thay đổi, đồng bào Sán Chỉ vẫn sinh hoạt yên ấm bên trong ngôi nhà sàn đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc mình.

Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nhà sàn truyền thống nói riêng và các nét văn hóa giàu bản sắc nói chung của người Sán Chỉ ở Cao Bằng là vấn đề đang cần được các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, có phương án gìn giữ giá trị di sản truyền thống.
 

 

CB
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục